Nam Phi bế tắc trong đàm phán chấm dứt đình công

Ngày 15/10, các nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc đình công lan rộng nhiều tuần qua tại các mỏ vàng ở Nam Phi đã rơi vào bế tắc sau khi vòng đàm phán mới đã thất bại và không lên kế hoạch nào cho các cuộc gặp tiếp theo, đẩy hàng chục nghìn công nhân phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải.

 

Các chủ mỏ và giới chức nghiệp đoàn cho biết các cuộc đàm phán đã thất bại vì công nhân bác bỏ đề xuất thỏa thuận về lương mà các nhà đàm phán đưa ra. Phát biểu sau cuộc đàm phán thất bại, nhóm chủ sử dụng lao động Phòng Mỏ tuyên bố "sẽ không có đề xuất nào hơn nữa", điều này đồng nghĩa với việc từng công ty phải tự tìm lối thoát cho mình khỏi một cuộc khủng hoảng khi hàng chục nghìn công nhân đã đình công. Bà Elize Strydom, một quan chức của Phòng Mỏ cho biết một trong các lối thoát có thể là sa thải những người tham gia đình công. Ngoài ra, có thể "tinh giản biên chế" hoặc cấu trúc lại một cách căn bản các hoạt động của các mỏ. Tuy nhiên, các chủ nghiệp đoàn cảnh báo sa thải hàng loạt có thể "đổ thêm dầu vào lửa", khiến tình hình càng xấu đi.

 

Hàng nghìn công nhân mỏ Nam Phi đình công tại mỏ Lonmin ở Marikana ngày 10/9. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong khi đó, công ty khai thác quặng sắt Kumba Iron Ore thuộc sở hữu của Anh-Mỹ cho biết đã quyết định sa thải gần 300 công nhân phát động cuộc đình công bất hợp pháp cách đây gần hai tuần, đồng thời thu giữ trang thiết bị làm việc trị giá hàng triệu USD. Theo công ty này, các thợ mỏ đình công bất hợp pháp chiếm mỏ này từ ngày 3/10 đã phớt lờ "tối hậu thư" yêu cầu họ phải rời mỏ vào lúc 11h00 ngày 15/10. Vì vậy, những người công nhân này bị sa thải và phải đối mặt với các cáo buộc hình sự.

 

Tòa án Lao động ngày 15/10 đã ra phán quyết các thợ mỏ chiếm giữ bất hợp pháp mỏ Shishen của công ty Kumba Iron Ore phải rời mỏ và trao trả các trang thiết bị trị giá 3,3 tỷ ran (375 triệu USD) mà họ đang dọa phá hủy nếu đề nghị tăng lương không được đáp ứng. Theo phán quyết trên, cảnh sát sẽ vào cuộc để thực thi luật pháp nếu các thợ mỏ không chịu rời đi.

 

Cuộc đình công của hàng chục nghìn công nhân mỏ vàng ở Nam Phi hơn một tháng qua đang bóp nghẹt hoạt động sản xuất của ngành khai mỏ vốn chiếm khoảng 7% tổng sản lượng hàng hóa ở nước này. Thỏa thuận đề xuất tăng lương chưa đáp ứng được yêu sách các công nhân đưa ra là khoảng 12.500 ran (1.430 USD)/tháng. Các chủ mỏ cho rằng Nam Phi là một trong những nước có chi phí khai mỏ cao nhất thế giới, vì vậy mức lương công nhân yêu cầu là không thể đáp ứng được.

 

Giới phân tích lo ngại về tác động của tình trạng rối loạn này đối với nền kinh tế lớn nhất và tiên tiến nhất châu Phi. Ngành khai mỏ sử dụng 1,3 triệu lao động và đóng góp 19% trong tổng sản lượng của nền kinh tế nước này, tính cả trực tiếp và gián tiếp. Tuần trước, hãng xếp hạng Standard and Poor's đã hạ mức tín nhiệm nợ công của Nam Phi từ BBB+ xuống còn BBB, đồng thời cảnh báo các cuộc đình công đang gây thiệt hại lớn.

 

 

TTXVN/Tin tức

Công nhân, cảnh sát Nam Phi sẽ cùng đình công
Công nhân, cảnh sát Nam Phi sẽ cùng đình công

Bất ổn tại hơn 20 hầm mỏ ở Nam Phi đã bước sang tháng thứ ba và cuộc đình công liên tục từ ba tuần nay của 28.000 nhân viên ngành vận tải đường bộ có dấu hiệu lan sang lĩnh vực đường sắt và hải cảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN