Năm của thuốc lá điện tử và “chụp ảnh tự sướng”

Thuốc lá điện tử dành cho người nghiện thuốc lá, phong cách bụi bặm Grunge trở lại sàn catwalk, từ “selfie” hay còn gọi là “chụp ảnh tự sướng” chính thức vào từ điển Oxford… là những sự kiện đời sống văn hóa đại chúng thế giới nổi bật trong năm 2013.

 

Chụp ảnh “tự sướng”


Được liệt vào bộ từ điển Oxford từ tháng 11/2013, “selfie” được định nghĩa là “một tấm ảnh cá nhân do bản thân người đó tự chụp bằng điện thoại hoặc máy ảnh rồi chia sẻ lên mạng xã hội”.

 


Như một minh chứng rõ rệt nhất cho sức lan tỏa mạnh của “chụp ảnh tự sướng”, tại lễ truy điệu cựu Tổng thống Nelson Mandela ngày 10/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng với Thủ tướng Anh David Cameroon và nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt giơ cao điện thoại, cười tươi… chụp hình giống hành động người ta vẫn thường bắt gặp ở giới trẻ.

 

Một bức ảnh tự sướng đáng nhớ khác trong năm 2013 là của phi hành gia người Italy Luca Parmitano. Ông đã tự chụp mình ở không gian bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS với hình ảnh Trái Đất phản chiếu trên kính chiếc mũ bảo hộ.

 

 

Thuốc lá điện tử


Với lời quảng cáo “hạn chế tối đa các chất độc như hắc ín, khói và tro tàn”, thuốc lá điện tử đang “cất cánh thành công” trở thành một lựa chọn mới cho những người hút thuốc, trong số đó có ca sĩ Robbie William và nam diễn viên Robert Pattinson.

 

Có đầu cắm USB để sạc pin tiện lợi hơn.


Phần đầu của điếu thuốc chạy bằng pin này có gắn một bóng đèn LED màu đỏ, sẽ sáng lên khi người sử dụng hít một hơi, tạo cảm giác điếu thuốc đang cháy thực sự. Làn khói thuốc cũng xuất hiện dưới dạng hơi nước. Theo một số chuyên gia, loại thuốc này vẫn cung cấp chất nicotine cho người hút, nhưng ở mức độ nhẹ.


Trên thực tế, các cơ quan y tế vẫn chưa có kết luận chính thức về công dụng thực sự của thuốc lá điện tử cũng như rủi ro có thể xảy ra với sức khỏe người dùng. Tuy nhiên dựa vào doanh thu ước chừng khoảng 1 tỷ USD trong năm 2013, người ta có thể chắc chắn rằng các công ty sản xuất mặt hàng này đã có một năm “kiếm bộn”.

 

Grunge quay lại sàn thời trang


Phong cách áo quần luộm thuộm mang dáng vẻ bất cần đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho nền thời trang cao cấp.

 

Bộ sưu tập Grunge của Hedi Slimane.


Những chiếc áo sơ mi kẻ, quá khổ cùng những chiếc quần jeans bạc phớ là những nét đặc trưng của Grunge - phong cách đã làm nên đặc trưng cho dòng nhạc Alternative rock và lối ăn mặc hoang dã phóng khoáng của thập niên 90.


Chọn cho mình một lối đi phá cách táo bạo, nhà thiết kế hàng đầu Hedi Slimane của hãng thời trang Saint Laurent là người mở lối mang Grunge trở lại sàn diễn. Trong bộ sưu tập Thu Đông vừa qua của ông, các cô người mẫu có mái tóc ngắn bù xù, diện những chiếc áo len rộng thùng thình, boot da cao cổ đã mang lại thành công vang dội cho Slimane.

 

Nhạc điện tử lên ngôi


Nhóm nhạc điện tử người Pháp Daft Punk đã giành chiến thắng liên tiếp trên các bảng xếp hạng trong năm 2013. Daft Punk có lối chơi nhạc lôi cuốn, thường xuất hiện giấu mặt trong những chiếc mũ kín mít.

 


Tháng 5/2013 vừa qua, bộ đôi Guy-Manuel de Homem-Christo và Thomas Bangalter đã cho ra mắt album nhạc thứ tư kể từ năm 1997. Ngay lập tức, album “Random Access Memories” đã vượt qua nhiều đối thủ chiếm lấy vị trí số 1 của Billboard tại Mỹ.


Bài hát “Get Lucky” của album còn nằm trong top 10 tại các bảng xếp hạng của hơn 30 quốc gia. Cơn sốt mang tên Daft Punk thậm chí còn lan tới tận thị trấn Wee Waa hẻo lánh thuộc Australia, nơi dân số chỉ có 1.653 người.


“Nhạc điện tử hiện đang ở giai đoạn thăng hoa và sẽ không suy chuyển ngôi vị”, nam ca sĩ Bangalter khẳng định với tạp chí Rolling Stone.

 

Cơn sốt kẹo Candy Crush Saga


Trò chơi online Candy Crush Saga trên mạng xã hội Facebook đã gây bão trong năm qua khi người người nhà nhà ham mê “phá kỷ lục” với đủ loại kẹo bánh màu sắc. Đặc biệt, hai cầu thủ nổi tiếng của đội bóng Tây Ban Nha Barcelona là Cesc Fabregas và Lionel Messi cũng là hai “con nghiện” của trò chơi dạng puzzle này.

 


Luật chơi tưởng chừng như đã quá quen thuộc khi yêu cầu kết nối ít nhất 3 viên kẹo giống nhau và cần ghi điểm càng nhanh càng tốt. Thế nhưng mỗi bài chơi lại gợi mở các thử thách khác nhau với độ khó được nâng lên, đòi hỏi người chơi phải kiên trì theo đuổi gỡ rối đến cùng.


Theo ước tính của hãng Think Gaming, mỗi ngày có hơn 700 triệu ván Candy Crush Saga được các game thủ trên khắp thế giới “rèn luyện” và nhà sản xuất King đã bỏ túi chừng 850.000 USD nhờ quảng cáo và bán các gói trợ giúp trong game…


Hoàng Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN