Na Uy cung cấp cho Ukraine 22 khẩu lựu pháo M109

Ngày 8/5, Na Uy đã quyết định cung cấp các vũ khí cho chính quyền Kiev, trong đó có 22 khẩu bích kích pháo (lựu pháo) 22 M109 cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Na Uy quyết định cung cấp cho chính quyền Kiev 22 khẩu bích kích pháo (lựu pháo) 22 M109. Ảnh: RT

Hãng tin RT cho biết Chính phủ Na Uy quyết định viện trợ và Kiev sẽ sớm nhận được 22 khẩu lựu pháo M109. Trong một thông báo, Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết lô vũ khí này sẽ đi kèm các thiết bị, phụ tùng thay thế và đạn dược.

Na Uy cũng đã huấn luyện binh sĩ Ukraine cách vận hành loại vũ khí này tại một cơ sở ở Đức. Thông cáo cho hay số pháo này đã được chuyển đi khỏi Na Uy, song không nói rõ đã tới Kiev hay chưa.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Na Uy đang tái trang bị quân đội nước này với các khẩu pháo mới nhập từ Hàn Quốc. Số pháo M109 này được chuyển giao cho Ukraine đến từ một kho vũ khí đã ngừng hoạt động. Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết quân đội nước này đã mua các khẩu lựu pháo K9 cỡ nòng 155mm của Hàn Quốc vào năm 2017 và đang đàm phán các thỏa thuận mua thêm với Seoul.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram gọi quyết định trên là "một sự đóng góp đáng kể và rất cần thiết cho Ukraine". Trước đó, Na Uy đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí chống tăng M72 LAW, tên lửa phòng không Mistral, thiết bị bảo vệ và các thiết bị khác.
M109 là pháo tự hành cỡ nòng 155mm được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1960 và có tầm bắn hiệu quả từ 20-40km, tùy thuộc vào loại đạn sử dụng. Mỗi khẩu M109 cần một kíp 4 người để vận hành. Phiên bản M109A3 mà Na Uy sở hữu được cho là được cải tiến dựa trên mẫu M109A3G của Đức.

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Phiên bản pháo tự hành M109A3GN mà Na Uy mua của Đức có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau của các nước thành viên NATO như đạn nổ công phá, chiếu sáng và khói với tầm bắn tối đa 24.700 m. Loại pháo này cũng có thể bắn đạn tầm xa nâng cao.    

Kể từ khi chiến sự bùng phát giữa Nga và Ukraine, một số nước châu Âu phê phán Na Uy chưa hành động đủ mạnh mẽ, trong khi lại là một trong những nước hưởng lợi gián tiếp nhiều nhất từ cuộc chiến này. Na Uy, quốc gia cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của châu Âu, đã chịu sức ép lớn từ các cáo buộc rằng Oslo thu lợi từ cuộc chiến ở Ukraine.    

Ba Lan là một trong số các quốc gia chỉ trích Na Uy nhiều nhất. Ba Lan đang tìm đến khí đốt Na Uy để thay thế một phần khí đốt Nga. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Na Uy đang hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến ở Ukraine khi thu được khoản lợi nhuận dầu khí khổng lồ nhờ bán dầu khí. Ông kêu gọi Na Uy sử dụng khoản tiền lợi nhuận này để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó đặc biệt là Ukraine.    

Các bình luận này đã gây tác động mạnh. Ngay cả một số người Na Uy cũng tự hỏi liệu họ đã làm đủ chưa trong viện trợ kinh tế cho Ukraine và giúp các nước láng giềng chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga.    

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Sức ép với Na Uy khi hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến Ukraine
Sức ép với Na Uy khi hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến Ukraine

Việc châu Âu ráo riết tìm kiếm các giải pháp thay thế cho năng lượng của Nga đã làm tăng đáng kể nhu cầu và giá dầu khí của Na Uy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN