Mỹ xem xét viện trợ Ukraine

Trong một động thái nhằm tỏ rõ sự ủng hộ đối với chính phủ tạm quyền Kiev, ngày 21/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã trình dự luật viện trợ cho Ukraine, song không bao gồm những điều khoản về cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như yêu cầu của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
 
Theo dự luật có tên gọi "Đạo luật viện trợ Ukraine", Mỹ sẽ viện trợ cho chính quyền lâm thời Ukraine 50 triệu USD, ngoài ra còn cho phép Tổng thống Obama có thể sử dụng tới 8 triệu USD trong quỹ đối phó với những sự kiện bất ngờ để viện trợ cho Ukraine. Dự luật của Hạ viện cũng ban hành thành luật những biện pháp trừng phạt mà ông Obama đưa ra trước đó đối với các cá nhân và doanh nghiệp liên quan tới sự kiện Crimea (Crưm) sáp nhập Liên bang Nga, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ áp đặt trừng phạt đối với cả những cá nhân ở trong và ngoài Nga có ảnh hưởng lớn tới chính sách đối ngoại của Nga.


Quốc hội Mỹ đang xem xét luật viện trợ cho Ukraine.


Xét về bản chất và mục đích, dự luật viện trợ Ukraine của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tương tự như khoản bão lãnh tín dụng 1 tỷ USD cho Ukraine được Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua hồi đầu tháng 3 này, song giới phân tích nhận định rằng điều khoản cải tổ IMF sẽ là khúc mắc khiến cả hai văn kiện này bị trì hoãn. Nhiều người cho rằng khoản bảo lãnh tín dụng có thể dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu vào tuần tới tại Thượng viện, song lại gặp không ít rào cản tại Hạ viện do phe Cộng hòa cho rằng chính quyền Obama nhân cơ hội này để đẩy nhanh tiến trình cải cách IMF. Trong khi đó, dự luật viện trợ cho Ukraine của Ủy ban Hạ viện Mỹ cũng được dự báo sẽ vấp phải khó khăn.

Cuối năm 2010, ban lãnh đạo của IMF đã thông qua một một gói các cải cách sâu rộng về hoạt động, cơ cấu bỏ phiếu và quản trị của quỹ. Theo đó, tăng gấp đôi ngân quỹ cho vay của thể chế này lên khoảng 733 tỷ USD để hỗ trợ các nước gặp khó khăn về tài chính. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cũng được tăng quyền hạn trong thể chế này. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ không ủng hộ những bước đi này và ngăn cản bằng việc "treo" đề xuất của chính quyền Obama chuyển khoản ngân sách 63 tỷ USD hiện Mỹ đóng góp hàng năm cho quỹ tín dụng khẩn cấp của IMF vào ngân sách hoạt động cố định của thể chế này. Giới nghị sĩ Cộng hòa cho rằng kế hoạch cải tổ này rất tốn kém, đồng thời giảm sự ảnh hưởng của Mỹ tại thể chế tài chính này. Hiện Mỹ vẫn là "cổ đông" đóng góp tài chính lớn nhất tại IMF và có quyền phủ quyết các quyết định của IMF.

Mỹ có thể ngừng dùng tên lửa Nga
 
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, các quan chức Mỹ cho biết để đáp trả những động thái của Nga, Lầu Năm Góc đang xem xét lại liệu việc sử dụng các động cơ tên lửa của Nga để phóng vệ tinh quân sự của Mỹ có gây ra nguy cơ tiềm tàng đối với an ninh quốc gia nước này hay không.

Người phát ngôn Maureen Schumann cho biết theo tình hình hiện nay, Lầu Năm Góc đã chỉ đạo cho lực lượng Không quân xem xét bổ sung để đảm bảo Mỹ hoàn toàn hiểu được các hệ lụy của việc sử dụng động cơ tên lửa RD-180 do Nga sản xuất cho tên lửa Atlas V, trong đó có việc ngừng cung cấp động cơ này.

Theo quan chức trên, mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đã định kỳ xem xét các nguy cơ tiềm tàng đối với chuỗi cung ứng các bộ phận do nước ngoài sản xuất cho quân đội Mỹ, song Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã ra lệnh xem xét lại đối với các động cơ của Nga do liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nữ phát ngôn trên tiết lộ rằng, hiện nay lượng động cơ tên lửa do Nga sản xuất trong kho dự trữ của Mỹ đủ phục vụ cho các hoạt động quân sự trong hai năm. Nếu tên lửa Altas V ngưng sử dụng động cơ do Nga sản xuất, Mỹ sẽ tốn hàng tỷ USD và mất khoảng 5 năm để tìm động cơ thay thế. Động cơ tên lửa RD 180 được quân đội Mỹ sử dụng cho việc vận hành tên lửa Altas V từ năm 1995.

Cùng ngày, các nhà lập pháp Mỹ cũng đã yêu cầu Lầu Năm Góc hủy hợp đồng mua trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất do những diễn biến căng thẳng tại Ukraine.


TTXVN/Tin tức
Ukraine lún sâu khủng hoảng nếu mất ưu đãi giá khí đốt từ Nga
Ukraine lún sâu khủng hoảng nếu mất ưu đãi giá khí đốt từ Nga

Việc Nga không giành ưu đãi về giá khí đốt sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang "chao đảo" của Ukraine và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN