Mỹ và EU bất đồng về ô tô điện Trung Quốc

Liên quan đến vấn đến ô tô điện ngày càng phát triển của Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ lớn về cách phản ứng.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: AFP

Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nỗ lực hạn chế động cơ đốt trong đang tạo ra cơ hội chiến lược to lớn cho Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất ô tô đã thống trị thị trường toàn cầu về công nghệ pin và năng lượng sạch.

Kết quả là phản ứng của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và EU khác nhau, vì chủ nghĩa bảo hộ của Washington trái ngược với mức thuế thấp của EU cũng như các khoản trợ cấp quốc gia hào phóng cho hàng nhập khẩu chạy bằng pin. Nhưng ở cả Washington và Brussels, thách thức từ việc Trung Quốc tiếp quản một ngành công nghiệp khác đang trở thành vấn đề mà họ không thể bỏ qua, đặc biệt là về việc làm, thương mại và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Scott Kennedy, một chuyên gia về chính sách kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết: “Mỹ không hoàn toàn khẳng định không đầu tư, nhưng nước này nói rõ rằng họ lo lắng về các công ty xe hơi Trung Quốc. Trong khi đó, EU đã ít can thiệp hơn và hỗ trợ nhiều hơn".

Mỹ áp đặt mức thuế 27,5% đối với ô tô do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, thái độ quyết đoán với Bắc Kinh từ các nhà lãnh đạo của cả Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khó thâm nhập thị trường Mỹ, ít nhất là một cách công khai.

Trong khi đó, các động thái của EU, dù cố ý hay không, đã tạo ra một cơ hội chiến lược cho các thương hiệu xe hơi mới thành lập của Trung Quốc với mức thuế với ô tô nhập khẩu chỉ là 10%.

Sức hấp dẫn của thị trường châu Âu đối với các nhà sản xuất xe điện càng được tăng cường bởi quyết định gần đây của EU về việc cấm bán ô tô động cơ đốt trong mới bắt đầu từ năm 2035 - một quyết định mà Anh cũng đã ủng hộ.

Danh tiếng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhanh chóng thay đổi, từ chỗ bị coi là sản xuất hàng nhái chất lượng thấp trở thành đối thủ cạnh tranh thực sự của các thương hiệu phương Tây. Thị trường nội địa của Trung Quốc đã lấn át bất kỳ thị trường nào khác, bán được 27 triệu ô tô vào năm ngoái, so với 13,75 triệu ô tô và xe tải ở Mỹ và 9,25 triệu ô tô ở EU.

Vị trí dẫn đầu về xe điện của Trung Quốc thậm chí còn rõ rệt hơn. Năm ngoái, 5,4 triệu xe điện chạy bằng pin - chiếm 2/3 tổng số thế giới - đã được đăng ký tại Trung Quốc. Nước này cũng chiếm khoảng 76% năng lực sản xuất pin toàn cầu và kiểm soát chặt chẽ các nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất pin. Điều đó mang lại cho các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc một lợi thế chiến lược và khả năng chế tạo xe điện với chi phí thấp hơn.

Và ngành sản xuất xe ô tô điện Trung Quốc đã giành được chỗ đứng trên thị trường Mỹ, bất chấp các rào cản thương mại của Washington: Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely (sở hữu nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo và chi nhánh xe điện hạng sang Polestar) đang xây dựng một nhà máy ở Nam Carolina.

Giám đốc điều hành Ford Jim Farley thừa nhận: “Chúng tôi coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính, không phải GM hay Toyota. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc trong lĩnh vực này”.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, quý trước, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới. Michael Dunne, một nhà tư vấn ô tô độc lập hoạt động tại Mỹ và Trung Quốc, cho biết: “Chất lượng và giá trị của ô tô Trung Quốc đã được cải thiện nhờ những bước nhảy vọt, đặc biệt là trong ba năm qua”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
Bị Mỹ 'hắt hủi', Thủ tướng Israel quyết định sang thăm Trung Quốc 
Bị Mỹ 'hắt hủi', Thủ tướng Israel quyết định sang thăm Trung Quốc 

Trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông, Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết sẽ công du đến Bắc Kinh, bất chấp những lo ngại của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN