Mỹ và Ápganixtan ký thỏa thuận đối tác chiến lược

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/5 đã bất ngờ thực hiện chuyến công du tới Ápganixtan, cùng Tổng thống nước chủ nhà Hamid Karzai chính thức ký kết văn kiện thiết lập quan hệ đối tác chiến lược lâu dài giữa hai nước.

Chuyến thăm không được thông báo trước này diễn ra đúng tròn một năm trùm khủng bố Osamar bin Laden bị lính đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt. Đây là chuyến thăm thứ ba của ông Obama tới đất nước Tây Nam Á này kể từ khi lên cầm quyền.

Nhà Trắng cho biết ngay sau khi đặt chân tới thủ đô Cabun, Tổng thống Obama đã gặp và hội đàm với Tổng thống Hamid Karzai. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ápganixtan đã ký Hiệp định quan hệ đối tác chiến lược (SPA). Nội dung chính của bản thỏa thuận là Mỹ và Ápganixtan vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ sau năm 2014 khi lính Mỹ rút đi. SPA này cũng cho phép một lực lượng lính Mỹ, chưa rõ cụ thể là bao nhiêu, tiếp tục ở lại Ápganixtan cho tới năm 2014 với vai trò cố vấn, huấn luyện cho các lực lượng vũ trang của Ápganixtan cũng như truy quét và tiêu diệt tàn dư của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Ápganixtan cũng cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận và sử dụng các cơ sở quân sự của nước này trong khi chính quyền Mỹ coi Ápganixtan là đồng minh quan trọng ngoài NATO.


Tổng thống Apganixtan Hamid Karzai (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Cabun ngày 1/5 sau khi ký hiệp định. Ảnh: AFP/TTXVN



Phát biểu sau lễ ký kết, Tổng thống Karzai đánh giá việc ký kết SPA Ápganixtan - Mỹ có ý nghĩa lịch sử, mở ra một chương mới thân thiện, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Karzai cũng khẳng định việc Ápganixtan và Mỹ trở thành đối tác chiến lược không đe dọa một nước thứ ba nào, đồng thời bày tỏ hy vọng SPA sẽ giúp mang lại ổn định, thịnh vượng và phát triển tại khu vực.

Về phần mình, ông Obama lạc quan tuyên bố sứ mệnh của Mỹ tại chiến trường Ápganixtan cơ bản đã hoàn tất với việc Bin Laden và khoảng 20 trong 30 thủ lĩnh của nhóm khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã bị tiêu diệt. Với lộ trình rút hết lính Mỹ ra khỏi Ápganixtan vào năm 2014, “cái giá phải trả bằng sinh mạng của người Mỹ ở Ápganixtan sẽ không còn nữa”. Tuy nhiên, ông Obama thừa nhận rằng con đường phía trước của lính Mỹ và binh lính NATO vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc giúp huấn luyện cho các lực lượng Ápganixtan đủ mạnh để tiếp quản sứ mệnh bảo đảm an ninh sau năm 2014.

Trong khuôn khổ chuyến thăm bất ngờ tới Ápganixtan, Tổng thống Obama đã thăm căn cứ không quân Bagram bên ngoài thủ đô Cabun. Tại đây, cùng với việc cảnh báo những thử thách cam go còn ở phía trước tại Ápganixtan khi nhấn mạnh "cuộc chiến vẫn chưa kết thúc", ông Obama cũng cho rằng một thập kỷ bị "mây đen" của chiến tranh bao phủ sắp chấm dứt và "ánh sáng của ngày mới" đã xuất hiện.

Hiện tại có 88.000 lính Mỹ vẫn đang có mặt tại Ápganixtan. Cuối năm 2011 đợt lính Mỹ đầu tiên 10.000 người đã rút khỏi Ápganixtan. Hơn 33.000 lính tăng viện năm 2009 dự kiến sẽ rút khỏi Ápganixtan trong mùa Hè này. Số lính chiến còn lại sẽ rút vào cuối năm 2014. Một sứ mệnh quan trọng của số lính Mỹ ở lại sau năm 2014 là giúp thành lập và huấn luyện cho lực lượng quân đội và an ninh của Ápganixtan với tổng số 352.000 biên chế và mỗi năm tốn kém khoảng 4,1 tỷ USD. Mỹ đang vận động các đồng minh châu NATO và các nước khác đóng góp mỗi năm khoảng 1,3 tỷ USD.


TTXVN/Tin tức

Lính Mỹ vẫn ở lại Ápganixtan sau năm 2014
Lính Mỹ vẫn ở lại Ápganixtan sau năm 2014

Trong bản thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược mới đạt được gần đây, Oasinhtơn để ngỏ khả năng tiếp tục duy trì một lực lượng chiến đấu quy mô vừa phải tại chiến trường Ápganixtan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN