Mỹ tuyên bố cấp mọi hỗ trợ tài chính cần thiết cho Ukraine

Ngày 2/3, Mỹ ngỏ ý rằng nước này cùng các đối tác có thể cung cấp bất cứ khoản hỗ trợ tài chính nào mà Ukraine cần để khôi phục nền kinh tế của quốc gia đang ngập trong khủng hoảng này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, người từng kêu gọi Kiev tìm kiếm viện trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tuần trước, khẳng định Washington có thể giúp đỡ thông qua các chương trình song phương hay các tổ chức quốc tế lớn hơn. Ông Jack Lew cho biết thêm Mỹ đang theo dõi tình hình ở Ukraine với "sự quan ngại sâu sắc" sau khi Nga can thiệp vào Crimea. Theo Bộ trưởng Lew, Ukraine sẽ phải thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế để nhận được các gói viện trợ từ Mỹ.


Cùng ngày giới chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới thăm Kiev để bày tỏ ủng hộ các nhà lãnh đạo tạm quyền mới ở quốc gia Đông Âu này sau khi lực lượng Nga kiểm soát bán đảo Crimea (Crưm).

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói: "Ngoại trưởng Kerry sẽ tới Kiev ngày 4/3", đồng thời xác nhận rằng các lực lượng của Nga "hiện đã hoàn toàn kiểm soát bán đảo Crimea".

Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power trong phiên họp khẩn cấp của HĐBA LHQ ngày 1/3 về khủng hoảng tại Ukraine. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong khi đó, trong tuyên bố đưa ra sau một cuộc họp kéo dài gần 8 giờ, NATO đã hối thúc triển khai các quan sát viên quốc tế tới Ukraine để giảm căng thẳng và liên minh này nỗ lực "can dự" với Nga tại các cuộc thảo luận NATO - Nga. Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi hối thúc hai bên lập tức tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, triển khai các quan sát viên quốc tế tới Ukraine dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an LHQ hoặc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)".

Trong cuộc họp khẩn cấp ở Brussels ngày 2/3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không thể nhất trí về bất cứ bước đi quan trọng nào nhằm kiềm chế Nga.

Sau cuộc họp, NATO đã kêu gọi Nga rút binh sĩ trở lại các căn cứ và không can thiệp vào bất cứ khu vực nào khác ở Ukraine. Song bất chấp việc bày tỏ "quan ngại sâu sắc", NATO đã không thể đồng thuận về bất cứ biện pháp đáng kể nào nhằm gây sức ép với Nga. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen chỉ nói rằng Nga và Ukraine nên nhờ quốc tế làm trung hòa giải và các thành viên NATO có thể họp thêm về vấn đề này, kể cả với Nga. Không hề có tuyên bố nào về giảm sự hợp tác với Moskva.

Nhiều nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Nga về nguồn cung năng lượng, khiến cho họ có lý do để duy trì quan hệ vững bền với Moskva, ngay cả trong trường hợp phải hành động. Theo chuyên gia quân sự Tim Ripley của tạp chí quốc phòng Jane's, chiến tranh khó có thể xảy ra vào thời điểm hiện tại, song nếu Nga giành quyền kiểm soát Crimea thì Phương Tây bị làm bẽ mặt và trở thành "con hổ giấy".

Ngày 2/3, Chính phủ Australia cũng đã triệu Đại sứ Nga Vladimir Morozov tới để yêu cầu giải thích về những hành động của Nga ở Ukraine. Dự kiến, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop sẽ gặp Đại sứ Morozov trong ngày 3/3.


T.N (Theo AFP/Reuters)
3 cựu tổng thống Ukraine kêu gọi hủy thỏa thuận quân sự với Nga
3 cựu tổng thống Ukraine kêu gọi hủy thỏa thuận quân sự với Nga

3 cựu tổng thống Ukraine đã kêu gọi chính phủ nước này hủy bỏ thỏa thuận Kharkov về việc cho thuê căn cứ của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea, do các ông Dmitry Medvedev và Viktor Yanukovych ký năm 2010.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN