Mỹ ‘tức điên’ khi 4 nước G7 gia nhập ‘World Bank’ Trung Quốc

Sau Anh, đến lượt các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu là Pháp, Đức và Ý đã quyết định gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Ma Khải (Ma Kai) tại Berlin ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tuyên bố Đức sẽ là thành viên sáng lập của AIIB. Tuyên bố chung của các bộ trưởng Ngoại giao và Tài chính Đức, Pháp, Italy cùng ngày cũng nêu rõ 3 nước sẽ hợp tác cùng nhau để đưa AIIB đạt tới các chuẩn mực cao về quản trị, điều hành.

Lễ ký kết thành lập AIIB tại Bắc Kinh hôm 24/10/2014. Ảnh: Reuters


AIIB được xem là đối thủ cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngân hàng này được tuyên bố thành lập vào hồi năm ngoái tại Bắc Kinh và là một thành tố trong chiến dịch thiết lập các thiết chế kinh tế, tài chính do Trung Quốc làm đầu tàu, giúp mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nước này. Ngân hàng có vốn khởi điểm là 50 tỉ USD, với sự đóng góp ban đầu của 21 quốc gia, trong đó Trung Quốc là nước giữ vai trò chi phối, chiếm 50% vốn góp.

Hồi tuần trước, Anh đã nhanh chân hơn so với các nước thành viên G7 khác, khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn vào AIIB, nhằm giành lợi thế của “người đi tiên phong”, dưới lý do phải hành động sớm trước khi kì tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 7/5 tới. Anh hy vọng sẽ được trở thành điểm đến số 1 của những khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Xu hướng mới này dự kiến sẽ còn tiếp tục. Australia, Hàn Quốc, những nước trước đây từng tuyên bố không gia nhập AIIB cho biết sẽ xem xét lại quyết định của mình. Xem ra, Mỹ chỉ còn hy vọng vào mỗi Nhật Bản nói không với AIIB.

Bắc Kinh hoan nghênh quyết định của các đối tác từ châu Âu, đồng thời bày tỏ sẽ sớm nhận được văn bản xác nhận chính thức. “Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, Pháp, Italy, Đức, Anh sẽ chính thức là thành viên sáng lập của AIIB 2 tuần sau đó”, thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc nêu rõ. Ngày 31/3 tới là thời hạn chót để các nước ra quyết định có gia nhập AIIB hay không.

Mỹ bực bội vì bị đồng minh vượt mặt

Không giống Trung Quốc, Mỹ chẳng có lý do gì để vui mừng trước động thái của các đồng minh châu Âu. Quyết định của London đã khiến Washington tức giận. Một quan chức chính quyền Obama nói với tờ Thời báo tài chính (Financial Times) rằng, Anh đã hành động mà không tham vấn ý kiến của Mỹ. Hành động của Anh là biểu hiện của xu hướng “liên tục vuốt ve Trung Quốc”, một biểu hiện đáng quan ngại và không phải là cách tốt nhất để ứng xử với một cường quốc đang trỗi dậy - nhân vật này bày tỏ. Washington cho rằng Anh đã để những tính toán thương mại chi phối quá lớn, mà làm ngơ trước những tác động địa chính trị tại châu Á - Thái Bình Dương.

Tương tự vậy, Washington đã yêu cầu Đức, Pháp, Italy cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng gia nhập AIIB. Phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội hôm 17/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi các đồng minh châu Âu “suy nghĩ thật kỹ” trước khi ký tham gia AIIB vì chưa có gì bảo đảm rằng ngân hàng mới thành lập này sẽ đạt được các tiêu chuẩn cao mà các tổ chức tài chính quốc tế đã đặt ra hay không.

Đây là “đòn đau” cho những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama cản phá các đồng minh tham gia vào định chế tài chính này. AIIB ngay từ đầu đã được nhìn nhận là nhân tố sẽ đưa tới sự đối đầu gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington trong việc xác định ai sẽ là người định hình các nguyên tắc kinh tế, thương mại ở châu Á trong một vài thập kỉ tới.


Hoài Thanh (Theo Reuters, RT)

AIIB sẽ hoạt động vào cuối năm nay
AIIB sẽ hoạt động vào cuối năm nay

Tân Hoa xã dẫn nguồn tin của Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) cho biết Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN