Mỹ tiết lộ sự thật về vụ đánh cắp vũ khí phương Tây ở Ukraine 

Tội phạm, chiến binh tình nguyện và các nhóm buôn bán vũ khí ở Ukraine đã đánh cắp một số vũ khí và thiết bị do phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraine vào năm ngoái trước khi chúng được thu hồi.

Chú thích ảnh
Các binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Javelin của Mỹ. Ảnh: AP

Đã có trường hợp đánh cắp vũ khí phương Tây ở Ukraine trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột với Nga, nhưng vũ khí đã được tìm thấy và thu giữ, phương tiện truyền thông Ukraine (Pravda, kyivindependent) ngày 21/7 đưa tin.

Trước đó cùng ngày kênh CNN (Mỹ) dẫn báo cáo của Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, một số vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine vào năm 2022 đã bị nhóm tội phạm và những kẻ buôn bán vũ khí đánh cắp trước khi chúng đến tay quân đội Ukraine.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phản hồi về báo cáo vào ngày 21/7. “Chính phủ Mỹ vẫn nhận thức sâu sắc về nguy cơ chuyển hướng bất hợp pháp có thể xảy ra và đang chủ động thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro này với sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Ukraine. Thực tế rằng chúng tôi đang gửi vũ khí để giúp Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga và có nguy cơ những vũ khí này có thể bị tịch thu và chuyển giao bởi các đối tượng khác nhau – điều xảy ra trong bất kỳ cuộc chiến nào”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Vào tháng 4/2022, CNN đưa tin rằng chính quyền Biden sẵn sàng chấp nhận rủi ro mất dấu vũ khí cung cấp cho Ukraine, vì họ coi điều đó là quan trọng đối với Ukraine khi đối đầu với các lực lượng Nga.

Trong khi đó, Đảng Cộng hòa đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về những gì họ coi là thiếu trách nhiệm giải trình đối với hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã nói vào đầu năm nay rằng ông ủng hộ Ukraine nhưng không “ủng hộ một tấm séc trắng”. Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa và Thống đốc Florida Ron DeSantis cũng có chung quan điểm.

Báo cáo mới của Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ có tiêu đề "Trách nhiệm giải trình của Bộ Quốc phòng Mỹ đối với thiết bị được cung cấp cho Ukraine" nêu chi tiết một số âm mưu tội phạm nhằm đánh cắp vũ khí, đạn dược và thiết bị chiến trường. 

Báo cáo đề cập rằng việc nhân viên Lầu Năm Góc không thể đến các địa điểm sử dụng hoặc lưu trữ giữ vũ khí cung cấp cho Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9/2022 khiến việc giám sát trở nên phức tạp hơn đáng kể. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã nối lại các cuộc kiểm tra tại chỗ các điểm lưu trữ đạn dược của Ukraine để theo dõi xem viện trợ quân sự của Mỹ được chuyển đến đâu.

Cần lưu ý rằng do khó theo dõi vũ khí được cung cấp, Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu đã tìm cách giảm thiểu vấn đề này bằng cách yêu cầu biên lai từ phía Ukraine mà họ "đã nỗ lực cung cấp một cách thiện chí".

Văn phòng Hợp tác Quốc phòng (ODC) thuộc Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Âu (EUCOM) hợp tác với Bộ Quốc phòng Ukraine để cung cấp thiết bị quân sự, đào tạo, như đã nêu trong báo cáo, cũng yêu cầu Chính phủ Ukraine cung cấp các báo cáo về chi phí, tổn thất và thiệt hại đối với thiết bị do Mỹ cung cấp. Về phần mình, Chính phủ Ukraine cũng cho biết đã "nỗ lực ngăn chặn trang thiết bị quốc phòng do Mỹ cung cấp bị buôn bán trái phép trên thị trường".

Báo cáo lưu ý rằng các tổ chức tội phạm vẫn đang tìm cách đánh cắp một số vũ khí và thiết bị do Mỹ và các đồng minh cung cấp cho Ukraine. Các cơ quan tình báo Ukraine cũng ngăn chặn âm mưu của những kẻ buôn bán vũ khí nhằm bán lại thiết bị bị đánh cắp từ tiền tuyến phía Nam của Ukraine, báo cáo cho biết. Trong một trường hợp khác, các cơ quan tình báo Ukraine đã phát hiện ra một nhóm tội phạm ở nước này giả làm nhân viên cứu trợ để đánh cắp lô áo chống đạn trị giá 17.000 USD.

Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng tên lửa và máy bay trực thăng dễ theo dõi hơn thông qua các cơ chế tình báo, nhưng các trang thiết bị nhỏ hơn, chẳng hạn như thiết bị nhìn đêm, khó kiểm soát hơn. Báo cáo cuối cùng không đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào, lưu ý rằng Bộ Quốc phòng Mỹ “đã thực hiện một số nỗ lực để giảm thiểu việc không thể tiến hành giám sát trực tiếp”.

Vào tháng 2/2023, Colin Khal, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng Lầu Năm Góc đang cung cấp cho Ukraine thiết bị và phần mềm để theo dõi thiết bị quân sự tốt hơn.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Pravda/CNN)
Bom chùm của Mỹ cho Ukraine: Vũ khí thay đổi cán cân lực lượng hay một sai lầm?
Bom chùm của Mỹ cho Ukraine: Vũ khí thay đổi cán cân lực lượng hay một sai lầm?

Các quan chức Mỹ đã chuẩn bị sẵn các luận điểm và phản biện cho quyết định gửi bom, đạn chùm gây tranh cãi cho Ukraine, rơi vào 4 nhóm chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN