Mỹ quyết định dỡ bỏ trừng phạt Myanmar

Ngày 14/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi dỡ bỏ trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia Đông Nam Á này.

Cuộc gặp gỡ giữa bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Obama. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong động thái nhiều khả năng sẽ báo hiệu một chương mới trong quan hệ song phương, theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Obama đã tuyên bố tại cuộc hội đàm ở Phòng Bầu dục với Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, rằng “Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã áp đặt lâu nay với Myanmar. Đó là điều đúng đắn cần làm để đảm bảo rằng người dân Myanmar được tưởng thưởng từ một đường lối kinh tế mới và chính phủ mới”. 

Tại cuộc hội đàm với bà Suu Kyi, ông Obama cũng thông báo Washington sẽ đưa Myanmar trở lại danh sách các nước được hưởng Hệ thống Ưu đãi Phổ quát (GSP), một cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước nghèo và đang phát triển nhập khẩu vào Mỹ. Washington loại Myanmar ra khỏi hệ thống GSP hồi năm 1989 sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại nước này bị chính quyền quân sự đàn áp dã man. 

Tổng thống Obama nói rằng quyết định dỡ bỏ trừng phạt và khôi phục qui chế GSP cho Myanmar “sẽ khích lệ các doanh nghiệp và thể chế phi lợi nhuận của Mỹ tăng cường đầu tư tại Myanmar”, đồng thời bày tỏ hy vọng Naypidaw sẽ ngày càng trở thành một đối tác dân chủ và thịnh vượng của Mỹ trong khu vực.

Đầu năm nay, Mỹ đã nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt Myanmar nhằm khuyến khích tiến trình cải cách chính trị tại nước này, song chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi được đánh giá là một bước ngoặt mở ra hy vọng mới cho quan hệ song phương Mỹ-Myanmar.

Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh “giờ là thời điểm (Mỹ) dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt đang gây thiệt hại cho nền kinh tế của chúng tôi”, đồng thời khẳng định Myanmar đã đạt tiến bộ trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ dù "vẫn còn nhiều việc cần phải làm”. Giới chức Myanmar cùng ngày cho biết thêm chính phủ nước này đang nỗ lực cải cách những qui định mới về đầu tư nước ngoài trong tuần này.

Đây là chuyến thăm Mỹ thứ 2 của bà Suu Kyi từ năm 2012 và là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái. Theo kế hoạch, trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Suu Kyi sẽ có bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại trụ sở LHQ ở New York.

TTXVN/Tin Tức
Myanmar từ chối mở lại cửa khẩu biên giới với Thái Lan
Myanmar từ chối mở lại cửa khẩu biên giới với Thái Lan

Myanmar ngày 9/6 thông báo sẽ không mở lại cửa khẩu biên giới Phaya Thonzu vốn đã bị đóng từ lâu với Thái Lan trước khi việc phân định chính thức về khu vực biên giới gây tranh cãi này được thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN