Mỹ nỗ lực xóa bỏ phân biệt chủng tộc trong giáo dục năng khiếu

Tại thành phố Buffalo, hai trường tiểu học có các lớp năng khiếu là Olmsted (có phần lớn học sinh là người da trắng) và Eve (phần nhiều là các học sinh da đen), xuất hiện tình trạng chênh lệch trình độ học tập vô cùng lớn, cho thấy một thách thức lâu dài mà tới gần đây mới được chú ý: Giáo dục năng khiếu ở Mỹ có vấn đề về chủng tộc.

Chú thích ảnh
Giáo dục năng khiếu trong các trường công lập ở Mỹ có thể duy trì sự tách biệt . Ảnh: NBC News

Theo dữ liệu liên bang gần đây nhất, gần 60% học sinh học năng khiếu là người da trắng, so với 50% tổng số học sinh nhập học tại các trường công lập. Ngược lại, học sinh da đen chỉ chiếm 9% số học sinh năng khiếu, mặc dù chiếm tới 15% tổng số học sinh.

Có nhiều yếu tố tạo ra sự chênh lệch này. Giáo dục năng khiếu vốn dĩ có nguồn gốc từ sự phân biệt chủng tộc: Lewis Terman, nhà tâm lý học vào những năm 1910 đã phổ biến khái niệm “IQ”, sau đó trở thành nền tảng của bài kiểm tra năng khiếu, là một người ưu sinh. Việc tuyển sinh của các chương trình năng khiếu có xu hướng ưu tiên trẻ em có cha mẹ giàu có, có học thức, những người nhiều khả năng là người da trắng.

Trên toàn nước Mỹ, 3,3 triệu học sinh trường công lập được xác định là có năng khiếu trong năm 2015-16, chiếm khoảng 6% tổng số học sinh theo Bộ Giáo dục liên bang. Đại dịch COVID-19, khiến nhiều học khu phải cắt giảm ngân sách, đẩy giáo dục năng khiếu xuống sâu hơn trong danh sách ưu tiên. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng chủng tộc đang tiếp diễn không thể cấp bách hơn, đặc biệt là sau các cuộc biểu tình về quyền công dân vào mùa Hè vừa qua.

Vào năm 2019, Viện Nghiên cứu và Tài nguyên Giáo dục Năng khiếu của Đại học Purdue đã phát hiện ra rằng sự bất bình đẳng là điều phổ biến. Các trường giàu xác định học sinh có năng khiếu nhiều hơn trường nghèo. Học sinh da đen, La-tinh và bản địa thường bị bỏ qua.

Định nghĩa “học sinh năng khiếu”

Bất chấp một thế kỷ nghiên cứu và tìm hiểu, các định nghĩa thế nào là năng khiếu vẫn còn chưa rõ ràng. Mọi người bất đồng về việc liệu nó nên được đo lường theo nghĩa tuyệt đối hay tương đối, liệu có giới hạn về tỷ lệ năng khiếu trong loài người, năng khiếu thể trau dồi hay không, liệu nó có phải chứng minh bằng thành tích hay không, và liệu nó có nên bao gồm khả năng thể thao.

Vào những năm 1910 rằng ông Terman đã tạo tiền đề cho định nghĩa năng khiếu bằng cách cho rằng người có năng khiếu sở hữu trí thông minh siêu phàm: những người nằm trong top 1% đạt điểm cao nhất trong bài thi IQ do ông tạo ra. Các nhà tâm lý học sau đó đã chỉ ra những lỗ hổng của định nghĩa này. Họ chỉ ra năng khiếu cũng có thể là sự sáng tạo, và nhận thấy rằng điểm IQ cao không nhất thiết phải tương ứng với khả năng lãnh đạo, thành tích chuyên môn hay thậm chí thành công ở trường học. Ví dụ rõ ràng nhất là nhiều người tài năng nhưng lại bỏ học từ sớm.

Ngày nay, nhiều tiểu bang xác định học sinh tài năng dựa trên định nghĩa về năng khiếu rối rắm của chính phủ liên bang: Học sinh năng khiếu và tài năng là những người “có khả năng đạt thành tích cao trong các lĩnh vực như trí tuệ, sáng tạo, nghệ thuật hoặc năng lực lãnh đạo hoặc trong các lĩnh vực học tập cụ thể cần những dịch vụ và hoạt động không phải do nhà trường cung cấp thông thường để có thể phát triển đầy đủ những khả năng đó ”.

Nhưng trên thực tế, các học khu vẫn thường xác định những trẻ có năng khiếu thông qua các bài kiểm tra IQ và khả năng nhận thức khác.

Thách thức để đạt được công bằng

Giáo sư Donna Ford của Đại học bang Ohio cho biết, nhiều sai lầm có thể xuất hiện khi xác định những đứa trẻ năng khiếu, dẫn đến việc trẻ em thiệt thòi có ít cơ hội hơn trẻ em da trắng và giàu có.
Ví dụ cho vấn đề nêu trên là việc sử dụng các bài kiểm tra thành tích để đo lường khả năng học tập và nguồn lực tại nhà của trẻ tốt hơn so với tiềm năng của chúng. Thêm nữa, những trẻ em thiệt thòi bị đo lường theo tiêu chuẩn quốc gia thay vì theo những trẻ em khác cùng hoàn cảnh. Ngoài ra, việc kiểm tra thực hiện ở tuổi quá nhỏ - một đứa trẻ 4 tuổi có thể có một ngày không tốt và kết quả này không phản ánh học lực trong thời gian dài. Cuối cùng, bài kiểm tra năng khiếu thường dành cho những học sinh có giáo viên hoặc phụ huynh biết về chương trình này và yêu cầu nó; rất ít giáo viên được đào tạo về giáo dục năng khiếu, vì vậy các khuyến nghị của họ thường dựa trên khuôn mẫu có sẵn. (các nghiên cứu cho thấy rằng học sinh da đen có nhiều khả năng được vào các chương trình năng khiếu hơn nếu họ có giáo viên cùng chủng tộc)

Bà Ford nói: “Phân biệt đối xử trong giáo dục năng khiếu là không có chủ ý, nhưng “nếu bạn biết các lựa chọn thay thế hợp lý và không sử dụng chúng, thì đó là chủ ý”.

Mặc dù chưa ai tìm ra cách xác định những đứa trẻ có tiềm năng mà không nhất thiết liên kết với các đặc quyền khi sinh ra, nhưng các học khu đang bắt đầu áp dụng các chiến thuật bao gồm sàng lọc tất cả trẻ em, không chỉ những trẻ có cha mẹ yêu cầu, nhận những học sinh có triển vọng vào các chương trình năng khiếu ngay cả khi các em bỏ lỡ thời hạn kiểm tra, và mở rộng số lớp năng khiếu.

Chú thích ảnh
Trẻ em tại một lớp học năng khiếu ở phía đông thành phố Buffalo gấp máy bay giấy. Ảnh: NBC

Những cánh cửa mở ra

Các nhà chức trách tại Buffalo nói rằng họ muốn cải thiện công bằng xã hội và chủng tộc, đặc biệt là trong lĩnh vực kỷ luật. Họ có một văn phòng dành riêng cho công bằng chủng tộc, tổ chức phát triển chuyên môn thường xuyên về sự đa dạng chủng tộc cho giáo viên và đưa Dự án 1619 của The New York Times vào chương trình giảng dạy trung học cơ sở và trung học phổ thông. Họ cởi mở chia sẻ những khúc mắc của họ.

Tuy nhiên, những nỗ lực của học khu trong lĩnh vực giáo dục năng khiếu vẫn chưa có tiến triển. Vào mùa Thu năm 2020, cha mẹ của 403 trẻ đã đăng ký chương trình năng khiếu tiểu học của trường Olmsted và chỉ có 39 trẻ vào trường, theo dữ liệu mà học khu cung cấp. Một phần tư số học sinh da trắng và học sinh đa chủng tộc của toàn học khu được nhận vào các lớp tài năng, nhưng số học sinh da đen và học sinh La-tinh chỉ chiếm lần lượt là 11% và 10% trên tổng số.

Buffalo có nên đóng cửa chương trình học năng khiếu vì sự bất bình đẳng chủng tộc nó mang lại? Bà McDuffie và ông Thompson, phụ huynh người Mỹ gốc Phi của các học sinh tại Eve, nghĩ theo cách ngược lại rằng học khu nên mở rộng chương trình này hơn. “Đừng dập tắt nó. Hãy mở rộng và rộng hơn”, bà McDuffie kết luận.

Nguyễn Danh Chân (Theo NBCNews)
Hàng nghìn người Mỹ tuần hành, phản đối phân biệt chủng tộc
Hàng nghìn người Mỹ tuần hành, phản đối phân biệt chủng tộc

Ngày 28/8, một cuộc tuần hành lớn đã diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ nhân kỷ niệm 57 năm Mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ”, đồng thời phản đối nạn phân biệt chủng tộc và đối xử bất công của cảnh sát đối với người da màu sau một loạt vụ việc diễn ra gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN