Mỹ nhường quyền chỉ huy chiến sự tại Libi cho NATO

Ngày 28/3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí tiếp quản toàn bộ vai trò chỉ huy các chiến dịch quân sự tại Libi từ liên quân do Mỹ đứng đầu. Hãng AFP dẫn tuyên bố của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ dân thường và các khu vực đông dân cư… NATO sẽ thực thi tất cả các khía cạnh được đề cập trong nghị quyết của LHQ”. Theo một quan chức giấu tên của NATO, quyết định tiếp quản vai trò chỉ huy chiến dịch Bình minh Odyssey của liên minh quân sự này đồng nghĩa với việc NATO hiện đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn mọi phương diện của chiến dịch quân sự tại Libi, chấm dứt gần một tuần thương lượng căng thẳng về bộ máy chỉ huy.

Lực lượng nổi dậy ở Libi đang trên đường tới thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo M. Kadhafi.  Ảnh: AFP/TTXVN


Tuyên bố cùng ngày của NATO từ Bộ Chỉ huy lực lượng hỗn hợp liên quân cho biết tướng Charles Bouchard (người Canađa) đã được chỉ định vào vị trí Chỉ huy Lực lượng hỗn hợp để thực thi vùng cấm bay và cấm vận vũ khí đối với Libi. Dự kiến, ông Bouchard sẽ chỉ huy toàn bộ chiến dịch quân sự tại Libi.

Các nguồn tin ngoại giao NATO ngày 28/3 tiết lộ, liên minh quân sự này đã nhất trí một kế hoạch quân sự kéo dài ba tháng, vạch ra các quy định nghiêm ngặt về việc hạn chế sử dụng các cuộc tấn công trên bộ để bảo vệ thường dân cũng như các khu vực đông dân cư. Kế hoạch trên không đề cập tới khả năng NATO can thiệp nhằm hỗ trợ phe đối lập có vũ trang tại Libi.

Anh và Pháp ngay lập tức đã có những phản ứng trái chiều về sự kiện NATO tiếp quản vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự tại Libi. Luân Đôn hoan nghênh sự kiện này, cho rằng đây là “một bước tiến quan trọng” nhằm đảm bảo chắc chắn rằng các đối tác trong khu vực đều có khả năng tham gia vào “sứ mệnh quan trọng này”. Trong khi đó, Pari cảnh báo việc thực thi vùng cấm bay tại Libi dưới cờ NATO sẽ khiến các đồng minh Arập “xa lánh”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhấn mạnh, NATO sẽ chỉ đơn thuần điều hành các hoạt động quân sự hàng ngày còn quyền phối hợp chỉ huy về mặt chính trị sẽ nằm trong tay một ủy ban liên quân.

Khó khăn của liên quân

Nguồn tin từ hãng AFP ngày 28/3 cho biết, 9 vụ nổ lớn làm rung chuyển thành phố Sirte, quê hương nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, đã chặn đứng đà tấn công tới thủ đô Tripôli của lực lượng đối lập tại quốc gia Bắc Phi này. Theo AFP, quân đối lập hiện rút về vùng ngoại ô Bin Jawad, cách Sirte khoảng 140 km về phía đông. Sirte hiện vẫn nằm trong vòng kiểm soát của lực lượng chính phủ Libi. Trước đó cùng ngày, người phát ngôn phe đối lập Shamsiddin Abdulmolah cho biết Sirte đã bị lực lượng này chiếm giữ. Theo ông Abdulmolah, phe đối lập đã không vấp phải quá nhiều sự kháng cự của quân chính phủ Libi.

Một cuộc biểu tình ủng hộ nhà lãnh đạo Kadhafi ở Mali ngày 28/3. Ảnh: xinhua


Thành phố Sirte và Tripôli đã trở thành mục tiêu của các cuộc không kích do liên quân thực hiện vào đêm 27/3. Phóng viên AFP có mặt tại Sirte đưa tin tại thành phố này đã xảy ra hai vụ nổ lớn khi các máy bay chiến đấu của liên quân xuất hiện. Nhiều gia đình, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đã phải chạy khỏi Sirte vì lo ngại nguy cơ thành phố tiếp tục bị không kích và bị lực lượng đối lập chiếm giữ. Chính phủ Libi đã mời khoảng 20 nhà báo quốc tế đến Sirte để tận mắt chứng kiến mức độ thiệt hại của thành phố. Trước khi đến đây, các nhà báo này đã thông tin về chuyến đi cho sứ quán nước họ nhằm tránh nguy cơ trở thành mục tiêu không kích của liên quân.

Trong khi đó, tại Tripôli, cuộc không kích dữ dội đêm 27/3 đã gây hư hại tuyến đường nối sân bay quốc tế với khu vực lân cận thủ đô. Chính phủ Libi tố cáo mục tiêu của liên quân không phải là bảo vệ dân thường như họ tuyên bố mà trên thực tế là nhằm tạo lợi thế cho lực lượng đối lập. Thứ trưởng Ngoại giao Libi Khaled Kaim lên án phương Tây đang tìm cách đẩy Libi rơi vào nội chiến.

Trong một diễn biến có liên quan, hãng thông tấn nhà nước Cata (QNA) đưa tin nước này ngày 28/3 đã công nhận Hội đồng Dân tộc lâm thời của lực lượng đối lập tại Libi. Như vậy, Cata đã trở thành nước thứ hai sau Pháp công nhận tính hợp pháp của hội đồng này.

Theo nhận định của giới quan sát, rất nhiều khó khăn đang chờ đợi liên quân quốc tế trong những ngày sắp tới. Theo đại tá Thierry Burkhard, phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp, mặc dù “đã bị tổn thất nghiêm trọng” sau các đợt tấn công của không quân phương Tây song điều đó không có nghĩa là các đơn vị phòng không của Libi đã hoàn toàn bị phá hủy.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gérard Longuet đã tỏ ý rất thận trọng, cho rằng chiến dịch của không quân tại Libi sẽ là một “nhiệm vụ lâu dài”. Tham mưu trưởng quân đội Pháp, Đô đốc Edouard Guillaud, dự đoán việc tham chiến tại Libi sẽ phải kéo dài “nhiều tuần lễ”. Một khó khăn khác mà liên quân quốc tế sẽ phải vượt qua trong thời gian tới đây là làm sao không vi phạm nhiệm vụ “bảo vệ thường dân” vốn là nền tảng của nghị quyết 1973 cho phép can thiệp quân sự vào Libi.

Làn sóng chỉ trích gia tăng

Chủ tịch Hạ viện John Boehner ngày 28/3 đã gửi một bức thư đến Tổng thống Mỹ Barack Obama, đề nghị tổng thống trả lời một loạt câu hỏi như thời hạn kết thúc, chiến lược rút quân và kinh phí của chiến dịch quân sự tại Libi.

Các quan chức cấp cao Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng không có câu trả lời chính xác về những vấn đề trên. Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ABC cùng ngày, ông Gates chỉ nói rằng Mỹ sẽ giảm mức độ can dự vào Libi, không đưa ra được thời hạn cho việc kết thúc chiến dịch quân sự. Bộ trưởng Gates thừa nhận chiến dịch quân sự có thể kéo dài trong nhiều tháng nhưng Mỹ sẽ chuyển sang vai trò hỗ trợ với các nhiệm vụ như tình báo, giám sát, do thám và tiếp nhiên liệu trên không sau khi NATO đảm nhận vai trò chỉ huy.

Về phần mình, Ngoại trưởng H. Clinton chỉ thông báo sẽ tham dự hội nghị quốc tế tổ chức tại Luân Đôn (Anh) vào ngày 29/3 bàn về cách thức nhằm chấm dứt sự lãnh đạo của ông Kadhafi. Bà Clinton cho biết thêm, LHQ sẽ cử đặc phái viên đến Tripôli trong vài ngày tới với “một thông điệp rõ ràng” dành cho ông Kadhafi.

Phản ứng trước các tuyên bố trên, thượng nghị sĩ Mỹ John Mckain nói: “Không ngạc nhiên khi người Mỹ cảm thấy hoang mang về chính sách Libi của chính phủ Mỹ, vì một mặt họ nói đây là chiến dịch nhân đạo, mặt khác họ lại nói rằng Kadhafi phải ra đi”.

Cũng trong ngày 28/3, Nga nói rằng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ Libi chẳng khác gì đứng về phía phe đối lập, can dự vào cuộc nội chiến ở Libi và không được nghị quyết của HĐBA LHQ hậu thuẫn. Phát biểu trong một buổi họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi xem sự can dự của liên quân vào cái về thực chất là một cuộc nội chiến là không được nghị quyết của HĐBA LHQ cho phép”.

H.H (Tổng hợp)

Libi hứng chịu đợt tấn công mới của liên quân
Libi hứng chịu đợt tấn công mới của liên quân

Đài truyền hình Libi dẫn lời một quan chức quân sự cho biết liên quân phương Tây tối 27/3 đã tấn công các khu vực dân sự và quân sự tại thủ đô Tripôli.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN