Mỹ ‘mất mặt’ như thế nào khi Nga giao S-300 cho Iran?

Nhiều nghị sĩ, quan chức Mỹ lo ngại, việc Nga cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran sẽ tước đi cơ hội tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này.

Ngày 14/4, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã gửi cho Ngoại trưởng John Kerry một bức thư, bày tỏ quan ngại trước việc Moskva nối lại việc chuyển giao cho Tehran hệ thống S-300. Họ nói rằng, việc Iran sở hữu loại vũ khí tối tân này sẽ tước đi khả năng Mỹ không kích các cơ sở hạt nhân tại Iran. “Duy trì răn đe quân sự thường trực là một yếu tố quan trọng để ngăn cản Iran phát triển tiềm lực vũ khí hạt nhân. Việc cho phép Tehran nhận được loại vũ khí hiện đại này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thực thi hành động quân sự chống Iran một khi cần đến giải pháp này”, bức thư do nghị sĩ Peter Roskam (đảng Cộng hòa) và Ted Deutch (đảng Dân chủ) đồng ký tên nêu rõ.

Hệ thống S-300 mà Nga dự định sẽ chuyển giao cho Iran. Ảnh: AP


Cùng thời điểm, một quan chức trong Quốc hội Mỹ cũng nói rằng, vấn đề hiện nay không phải cấm vận vũ khí nhằm vào Iran, mà là ngăn cản khả năng Tehran tiếp cận được các tên lửa phòng không giúp bảo vệ các cơ sở hạt nhân, quân sự. “Nhiều năm qua, chính quyền Mỹ luôn nói rằng mọi giải pháp luôn được đặt trên bàn cân để không cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Thất bại trong việc ngăn cản thương vụ S-300 không chỉ làm cơ hội không kích hạt nhân yếu đi, mà cũng mất luôn một giải pháp”, nguồn tin này nói.

Năm 2007, Nga đồng ý bán cho Iran 5 hệ thống S-300 PMU-1, với tổng trị giá 800 triệu USD. Hợp đồng bị ngưng lại sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí chống Iran, do lo ngại Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Sau nhiều lần tranh cãi, Tehran đâm đơn kiện tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Rosoboronexport (Nga) ra Tòa trọng tài ở Geneva năm 2011, đòi mức bồi thường 4 tỉ USD. Iran hiện hy vọng quá trình chuyển giao sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Mỹ đã để Nga vượt “lằn ranh đỏ”?

Truyền thông Mỹ ngay lập tức đã vào cuộc. Họ lôi ra chuyện Washington từng tuyên bố hồi năm 2010 rằng việc chuyển giao S-300 giữa Nga và Iran là “giới hạn đỏ” mà Moskva không được phép vượt qua. Thời điểm đó, Tổng thống Barack Obama tỏ ra hoan hỉ trước “chiến thắng” khi thương vụ này rơi vào thế bế tắc, rằng chính quyền Tổng thống Dmitry Medvedev thực sự có thiện chí trước chính sách “tái khởi động” (reset) quan hệ Nga - Mỹ . Thế nhưng, quyết định mới đây của Moskva đã đẩy Mỹ vào thế bí. Chính quyền Obama chỉ đưa ra được những tuyên bố chung chung rằng Mỹ không coi quyết định của Nga là bước đi mang tính xây dựng.

Khi các phóng viên truy vấn về tuyên bố “lằn ranh đỏ” hồi nào, cả Bộ Ngoại giao lẫn Nhà Trắng đều từ chối trả lời về điều này, chỉ nói rằng đó là cách truyền thông đưa tin liên quan đến hợp đồng giữa Moskva và Tehran. Phát Ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest giải thích Mỹ từng phản đối Nga bán S-300 cho Iran và nay vẫn vậy, điều đó được thể hiện qua việc ông Kerry có cuộc điện đàm với đồng cấp người Nga Sergei Lavrov, bày tỏ quan ngại của Washington.

Elliott Abrams, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhìn nhận, thất bại của chính quyền Obama trong việc phong tỏa thương vụ S-300 cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đã suy giảm. “Khái niệm ‘lằn ranh đỏ’ không còn mang đầy đủ ý nghĩa như trước. Tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ giờ chỉ là nỗi thất vọng. Chẳng còn mấy ai tin vào những tuyên bố nói rằng Mỹ thành công trong việc thay đổi chính sách của Nga đối với Iran”, ông Abrams bình luận.


Hoài Thanh (Theo W.F.B, F.P)

Nga trấn an Israel về dỡ lệnh cấm bán S-300 cho Iran
Nga trấn an Israel về dỡ lệnh cấm bán S-300 cho Iran

Tổng thống Nga đã trấn an ông Netanyahu rằng hệ thống S-300 chỉ là hệ thống phòng thủ và không đe dọa an ninh của Israel hay bất kỳ nước nào khác ở khu vực Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN