Mỹ lập nhóm đặc nhiệm kiểm soát súng đạn

Trong một bước đi phản ánh rõ quyết tâm của Nhà Trắng trong nỗ lực ngăn chặn nạn bạo lực súng đạn mỗi năm làm thiệt mạng 10.000 người ở Mỹ, ngày 20/12, Tổng thống Barack Obama đã chỉ định Phó Tổng thống Joseph Biden làm người đứng đầu nhóm đặc nhiệm để soạn thảo chính sách nhằm siết chặt các quy định về kiểm soát kinh doanh và sở hữu súng đạn. Quyết định của Nhà Trắng được đưa ra 5 ngày sau vụ thảm sát nhẫn tâm tại trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut hôm 14/12 vừa qua làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 cháu từ 5 - 7 tuổi.


 

Người Mỹ giương biểu ngữ kêu gọi kiểm soát súng bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: Internet

 

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho biết, nhóm đặc nhiệm do Phó Tổng thống Biden đứng đầu có nhiệm vụ phối hợp giữa các bộ, ngành và các nhóm xã hội hữu quan để ngay trong tháng 1/2013 có thể đưa ra được các khuyến nghị cụ thể đối với một vấn đề đang được cả xã hội Mỹ quan tâm. Ông Biden từng là một trong những tác giả của đạo luật năm 1994, theo đó nước Mỹ gia tăng triển khai lực lượng cảnh sát trên các đường phố, cấm kinh doanh và sở hữu các loại vũ khí tấn công. Đạo luật này đã hết hiệu lực năm 2004, nhưng chưa có bất kỳ đạo luật nào thay thế.


Tổng thống Obama tuyên bố sẽ sử dụng mọi quyền lực trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ để ngăn chặn tái diễn các vụ thảm sát người vô tội. Ông cũng kêu gọi Hiệp hội Súng trường quốc gia có những hành động “tự điều chỉnh”, sau thảm họa tại Newtown, Connecticut.


Tại quốc hội Mỹ, ngày càng có thêm các tiếng nói đòi tiến hành ngay các hành động ngăn chặn nạn bắn giết người bừa bãi, trong đó có cả những nghị sỹ lâu nay phản đối mạnh mẽ mọi biện pháp siết chặt kiểm soát súng đạn. Thủ lĩnh phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Hạ viện, nữ hạ nghị sỹ Nancy Pelosi cũng đã chỉ định đồng nghiệp Mike Thompson đứng đầu nhóm đặc nhiệm riêng rẽ về kiểm soát súng đạn để đưa ra các khuyến nghị tại quốc hội. Hạ nghị sỹ Ron Barber, người bị thương trong vụ nổ súng ở bang Arizona năm 2011, cùng 18 hạ nghị sỹ khác cũng đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Nhà Trắng và nỗ lực của các đồng nghiệp đảng Dân chủ. Hạ nghị sỹ Joe Manchin, người lâu nay ủng hộ quyền sở hữu súng đạn, thì tuyên bố sẵn sàng chấp thuận những quy định nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát các loại súng có tính năng quân sự như đã được sử dụng trong vụ thảm sát ngày 14/12 vừa qua.


l Trong một chiều hướng phản ứng được xem là không tích cực đối với vụ thảm sát tại bang Connecticut, trong vài ngay qua người dân Mỹ đã và đang đổ xô tới các cửa hàng để mua sắm súng ống và cặp đeo lưng chống đạn cho con cái đến trường.


Số lượng hồ sơ xin mua súng trong vài ngày qua tại các bang Colorado, Nevada, Tennessee, California, Virginia và một số bang khác đã tăng lên mức kỷ lục, nhất là loại súng trường tấn công như khẩu AR-15 đã được kẻ sát nhân sử dụng trong vụ thảm sát ở Connecticut. Giới kinh doanh súng đạn cho biết một lý do khiến người dân đua nhau mua súng đạn là vì họ lo ngại tới đây các quy định mua bán súng đạn sẽ bị siết chặt.


Ngoài súng đạn, người dân Mỹ còn đổ xô đi mua các ba lô chống đạn cho con cái đeo đến trường đề phòng xảy ra các vụ bắn giết bừa bãi. Ba công ty chuyên sản xuất loại ba lô đặc biệt này cho biết chỉ cần cho thêm một miếng giáp chống đạn vào phía sau chiếc ba lô học sinh thông thường là có thể bán ra với giá 400 USD, cho dù loại ba lô này chưa đủ cứng để chống lại các vũ khí tấn công như đã được sử dụng trong vụ thảm sát ở Connecticut vừa qua. Các doanh nghiệp chế tạo loại ba lô đặc biệt này cũng đã khuyến cáo các bậc phụ huynh về hiệu quả hạn chế của sản phẩm của họ.


Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN