Mỹ không sợ tấn công vũ khí hóa học Syria, chất độc sẽ phát tán?

Một nguy cơ từ việc tấn công các kho vũ khí hóa học là có thể khiến chất độc bị phát tán.

Cơ sở nghiên cứu hóa học Shinshar ở ngoại ô Homs một ngày trước đợt không kích và sau đó. Ảnh: DigitalGlobe

Tối 13/4 (rạng sáng 14/4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công Syria, sau khi cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ngày 7/4 thuộc khu vực Đông Ghouta khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, 3 địa điểm bị trúng hỏa lực của Mỹ tại Syria trong vụ tấn công, bao gồm: một trung tâm nghiên cứu khoa học tại thủ đô Damascus, kho vũ khí hóa học tại phía Tây tỉnh Homs và cuối cùng là cơ sở chỉ huy, tích trữ thiết bị vũ khí gần sát địa điểm vừa nêu ở Homs.

Một trong những nguy cơ mà dư luận lo lắng về vụ tấn công đó là chất độc dự trữ trong các cơ sở đó sẽ phát tán và ảnh hưởng tới người dân cũng như binh sĩ nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia vũ khí hóa học Anh nói rằng khả năng này rất nhỏ và các vũ khí hóa học thường bị nổ tung thay vì rò rỉ.

Báo Anh Guardian trích lời Hamish de Bretton-Gordon, chuyên gia vũ khí hóa học dẫn đầu đội phản ứng vũ khí hóa học của Anh và NATO, giải thích: “Cách tốt nhất để phá hủy vũ khí hóa học là cho nó nổ tung”.

Trong khi đó, một chuyên gia vũ khí hóa học khác, ông Richard Guthrie cho rằng việc này phụ thuộc vào dạng vật chất của loại vật liệu và cách chúng được dự trữ. Theo một nghiên cứu chưa công bố mà ông từng điều tra về tác động một vụ tấn công nhằm vào nhà máy hóa học ở vùng Balkans, nếu như trường hợp xấu xảy ra, có thể một vụ tấn công các cơ sở hóa học sẽ gây ra thiệt hại lớn về người.

“Song trong một trường hợp khác, một lượng nhỏ các chất tạo ra vũ khí hóa học dự trữ ở dạng nhị phân (hai tiền chất tách biệt) có thể sẽ không gây ra hậu quả lớn nếu như bị dội bom”, chuyên gia Richard giải thích.

Sau chiến dịch không kích rạng sáng 14/4, phía Syria tuyên bố đã đánh chặn 71/103 quả tên lửa của liên quân và một số mục tiêu đã không chịu bất cứ thiệt hại gì. Tuy nhiên, Lầu Năm góc khẳng định cuộc không kích đã "tấn công thành công tất cả các mục tiêu”. Hình ảnh vệ tinh mới công bố từ DigitalGlobe cho thấy, hai cơ sở ở Homs đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Chính phủ Syria và Nga kịch liệt lên án vụ không kích của liên quân, cho rằng Mỹ-Anh-Pháp đã vin vào một vụ việc được dàn dựng để tấn công nước này. 

Bảo Hà/Báo Tin tức
Syria trong 'cuộc đấu' của các cường quốc
Syria trong 'cuộc đấu' của các cường quốc

Vụ không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria ngày 14/4, sau một loạt những đe dọa, chỉ trích và cảnh báo giữa các bên liên quan, đang được nhìn nhận như một yếu tố gây xáo trộn tình hình Syria, song chỉ ở mức hạn chế và khó có thể thay đổi "cuộc chơi" giữa các cường quốc tại quốc gia Trung Đông này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN