Mỹ không muốn xảy ra chạy đua vũ trang ở Biển Đông

Bà Amy E. Searight, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, nhấn mạnh Mỹ không mong muốn xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang tại Biển Đông.

Bà Amy E. Searight.

Bà Amy E. Searight đã đưa ra câu trả lời trên trong cuộc phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Lào khi Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) được tổ chức tại thủ đô Vientiane vào ngày 24/4. Vấn đề an ninh khu vực được hội nghị đặc biệt chú trọng thảo luận.

Bà Amy E. Searight nói: “Chúng tôi thực sự quan ngại trước những căng thẳng đang tăng lên ở Biển Đông… Mỹ không mong muốn xảy ra việc chạy đua vũ trang ở Biển Đông và tôi nghĩ có thể ngăn ngừa được việc này, nhưng điều đó cần hành động có trách nhiệm của các bên liên quan".

Bà nói rõ: "Gần đây chúng tôi thấy Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động bồi đắp và Trung Quốc là nước duy nhất tiến hành các hoạt động bồi đắp và các hoạt động khác. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không được tiến hành thêm các hoạt động bồi đắp cũng như không xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng mang tính lưỡng dụng, tức là có thể phục vụ mục đích quân sự".

"Điều này có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang tại các điểm đảo và ở toàn bộ Biển Đông, đây là điều mà chúng tôi thực sự quan ngại. Nhưng nếu tất cả các nước cùng tham dự những diễn đàn như thế này và cùng trao đổi cả đa phương và song phương để tìm giải pháp cho vấn đề này thì tôi nghĩ chúng ta có thể từng bước giảm được chạy đua vũ trang và Mỹ ủng hộ điều này”, bà Searight bổ sung.

Tham dự hội nghị trên có các Trưởng ADSOM đến từ 10 nước thành viên ASEAN cùng đại diện của 8 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ.

Mới đây, ngày 12/4, Ủy ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ - Trung đã đệ trình một báo cáo lên Quốc hội Mỹ về hoạt động của Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo ở Biển Đông, trong đó nêu rõ các hoạt động của Trung Quốc có thể đã hủy hoại các rạn san hô, phá vỡ nguồn cá tại khu vực, đồng thời vi phạm luật quốc tế về bảo vệ môi trường.

Ủy ban còn cáo buộc Trung Quốc không công bố đầy đủ thông tin về việc đánh giá tác động môi trường của các kế hoạch khai hoang, bồi đắp đảo nhân tạo.

Liên quan tới các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.

Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

TTXVN/Tin Tức
Chiến thuật mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Chiến thuật mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Tín hiệu phát ra từ chuyến thị sát Biển Đông của tướng Phạm Trường Long hé lộ chiến thuật mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN