Mỹ: Hạ viện mở đường cho triển vọng phê chuẩn FTA với Côlômbia, Panama và Hàn Quốc


Ngày 5/10, Ủy ban Thuế và An sinh xã hội của Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn ba Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Côlômbia, Panama và Hàn Quốc, hai ngày sau khi Tổng thống Barắc Ôbama (Barack Obama) gửi tới Hạ viện. Đây được coi là tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng các FTA sẽ sớm được thông qua, chấm dứt nhiều năm tranh cãi chính trị thương mại giữa hai viện quốc hội Mỹ xung quanh vấn đề này.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Ôbama cho biết những hiệp định này sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Mỹ lên tới 13 tỷ USD mỗi năm và tạo thêm hàng chục nghìn việc làm. Các ngành sản xuất và nông nghiệp Mỹ cũng được hưởng lợi từ các hiệp định này. Các nghị sỹ Đảng Cộng hòa, hiện đang kiểm soát Hạ viện, đánh giá cao việc phê chuẩn các hiệp định trên và khuyến khích Nhà Trắng thương thuyết các hiệp định thương mại với các nước khác.

Cả ba FTA trên được ký dưới thời chính quyền tiền nhiệm Gioócgiơ W. Busơ (George W. Bush) nhưng chưa được Quốc hội Mỹ thông qua do còn tồn tại nhiều vấn đề quan ngại, như quyền lợi của người lao động không được đảm bảo ở Côlômbia, vấn nạn trốn thuế ở Panama và rắc rối trong các điều khoản về xe hơi trong các hiệp định với Hàn Quốc. Tuy nhiên, do đẩy mạnh việc giải quyết những vấn đề trên nên Chính quyền Ôbama đang thu được những kết quả đáng khích lệ đầu tiên trong vấn đề này. Hiện ba FTA đã được trình lên Quốc hội Mỹ để bỏ phiếu thông qua vào tuần tới.

Thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Côlômbia sang Mỹ là 14,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ là 10,9 tỷ USD. Cùng thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu của Panama sang Mỹ chỉ dừng ở con số khiêm tốn 350 triệu USD, song nước này nhập khẩu lượng hàng hóa từ Mỹ trị giá tới 5,3 tỷ USD. Trong khi đó, Hàn Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Mỹ.

TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN