Mỹ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc da cam/điôxin

Trong khuôn khổ Sáng kiến Đặc biệt về chất độc da cam/điôxin, các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm về hậu quả của chất độc da cam/điôxin tổ chức tại bang Bắc Carolina (Mỹ) đã quyên góp được 30 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam tẩy rửa các khu vực bị nhiễm chất độc da cam, làm mới hệ sinh thái và mở rộng việc cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật.

Tại cuộc tọa đàm ngày 18/2 ở trường Đại học Wake Forest University, thuộc bang Bắc Carolina, các đại biểu tham dự cho biết sáng kiến nhằm quyên góp 300 triệu USD trong vòng 10 năm để giúp Việt Nam hoàn thành các công việc trên đang đạt được những tiến bộ nhất định, cho tới nay đã quyên góp được khoảng 10% số tiền, bao gồm cả 15 triệu USD mà chính phủ Mỹ đã cam kết ủng hộ sáng kiến.


Ông Charles Bailey, Giám đốc phụ trách Sáng kiến Đặc biệt về chất độc da cam/điôxin thuộc Quỹ Ford, cho biết di họa của chất độc da cam vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam - nơi có tới 28 điểm nóng bị nhiễm điôxin với nồng độ cao ở mức nguy hiểm. Ông khẳng định, giải quyết hậu quả của việc nhiễm chất độc này là một phần của những công việc dang dở của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Ngoài ông Bailey, những diễn giả của cuộc tọa đàm đều là những người đã tham gia vào các hoạt động liên quan tới việc tẩy sạch các khu vực bị nhiễm chất độc da cam/điôxin tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ cho trẻ em Việt Nam bị dị tật bẩm sinh do chất độc da cam. Các chuyên gia cho biết các vấn đề về sức khỏe và môi trường do ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin đang ảnh hưởng tới khoảng 3 triệu người Việt Nam, trong đó có 150.000 trẻ em.

Trước đó, ngày 16/2, một cuộc hội thảo về chất độc da cam cũng được tổ chức tại trường Đại học bang Bắc Carolina. Tại đây, các chuyên gia đã nhắc lại kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy kể từ sau khi cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Việt Nam kết thúc vào năm 1975, nhiều trẻ em Việt Nam bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và có triệu chứng của bệnh Down khi mới sinh ra.


Do đó, các chuyên gia cho rằng việc giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của chất độc da cam "là một vấn đề nhân đạo và chúng ta (Mỹ) cần làm một điều gì đó về vấn đề này".

Kim Yến (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN