Mỹ đánh cược với chiến lược ‘quản lý chứ không kiềm chế’ biến thể Omicron

Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021 giữa lúc số ca mắc COVID-19 tăng vọt vào mùa đông, ông tuyên bố sẽ mở cuộc tấn công toàn lực cấp liên bang nhằm tiêu diệt virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự một cuộc họp với các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 27/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico, một năm sau, khi Mỹ một lần nữa phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh chưa từng có, chính quyền của ông đang hy vọng sẽ “hòa” trong cuộc chiến với COVID-19.

Bị biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh bủa vây, Nhà Trắng đang chạy đua để hạn chế thiệt hại do số ca mắc tăng cao kỷ lục trên khắp nước Mỹ.  

Chính quyền Mỹ đã nhanh chóng đẩy nhanh các phương pháp điều trị COVID-19 cho các bang bị ảnh hưởng nặng nề và cam kết điều thêm người đến các trung tâm y tế thiếu nhân lực. 

Vừa phải chịu áp lực từ COVID-19, Nhà Trắng vừa hứng chịu áp lực chính trị to lớn từ các thành viên đảng Dân chủ đang mất kiên nhẫn vì Mỹ chưa thể tiến tới chấm dứt đại dịch mà ban đầu họ cho là có thể xử lý trong một năm.

Áp lực này cũng khiến chính quyền Mỹ ưu tiên chuẩn bị cho người dân sống chung với SARS-CoV-2 vô thời hạn. Trong các cuộc phỏng vấn, các quan chức Mỹ coi khoảng thời gian vài tuần tới là thời gian quyết định để kiềm chế làn sóng lây nhiễm đủ để không phải đóng cửa hàng loạt dịch vụ thiết yếu, trường học và tránh để bệnh viện quá tải.

Ngày 4/1, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi người Mỹ tiêm chủng và tiêm mũi nhắc lại để tự bảo vệ mình trước biến thể Omicron. Ông cho rằng Mỹ có đủ điều kiện để vượt qua khủng hoảng.

Ông nói: “Chúng ta có các công cụ để bảo vệ mọi người khỏi mắc bệnh nặng do Omicron, nếu mọi người chọn sử dụng các công cụ này. Vì Chúa, hãy tận dụng những gì đang có”.

Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng thống trấn an người dân, ông cũng phải thừa nhận rằng người Mỹ đang bối rối trước tình trạng virus lây lan rộng rãi. Các quan chức y tế trong và ngoài chính quyền Mỹ thừa nhận không còn biện pháp gì mới để làm mà chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng điều tồi tệ nhất sẽ sớm qua đi.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Michael Osterholm, một nhà dịch tễ học tại Đại học Minnesota, cho biết: “Chúng ta sẽ có thêm hai tuần rưỡi, ba tuần, có thể là bốn tuần nữa sống trong trận bão tuyết do virus này gây ra, khi mà chúng ta sẽ chứng kiến hết thử thách này đến thử thách khác”. 

Biến thể Omicron tấn công Mỹ với tốc độ nhanh hơn dự đoán, càng làm lộ rõ những thiếu sót trong chiến lược COVID-19 của chính quyền cho đến nay. Chiến dịch tiêm chủng vẫn chưa thể thuyết phục được hàng chục triệu người Mỹ hoài nghi vaccine.

Mặc dù đã chi hàng chục triệu USD để giải quyết vấn đề, nhưng Mỹ vẫn thiếu khả năng xét nghiệm và truy vết cần thiết để theo dõi chặt chẽ virus. Số ca mắc hàng ngày đã vượt ngưỡng 1 triệu ca.

Ông Bob Wachter, Chủ nhiệm khoa y tại Đại học California tại San Francisco, nhận định: “Bạn có thể vượt qua một vài tuần nhưng thật khó để vượt qua một vài tháng. Câu hỏi quan trọng là tất cả điều này kéo dài bao lâu”.

Mỹ đã dựa vào dữ liệu ở nước ngoài cho thấy Omicron có thể “tự diệt” nhanh như khi xuất hiện, có nghĩa là số lượng ca mắc có thể bắt đầu giảm ngay từ tháng 2 ở những vùng bị ảnh hưởng sớm của Mỹ

Các quan chức y tế cũng nhấn mạnh nghiên cứu cho thấy biến thể này ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Các trường hợp tử vong do COVID-19 trong các viện dưỡng lão vẫn ở mức vừa phải trong vài tuần qua.

Nhà Trắng đang hy vọng những nghiên cứu trên là chính xác và sợ rằng việc phải quay lại phong tỏa sẽ gây tổn hại về mặt chính trị cho ông Biden. Do đó, chính quyền Mỹ đã chuyển hướng sang tìm cách giảm thiểu tác động của Omicron đối với cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế thay vì ngăn chặn hoàn toàn biến thế.

Cách tiếp cận “quản lý chứ không kiềm chế” là phương pháp mà nhiều cơ quan ở Mỹ áp dụng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) vào cuối tháng 12/2021 đã rút ngắn thời gian cách ly được khuyến nghị cho những người dương tính với COVId-19 từ 10 xuống còn 5 ngày với điều kiện người rời khỏi vùng cách ly tiếp tục đeo khẩu trang. Đó là một động thái mà Mỹ hy vọng sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt lao động trong các dịch vụ cứu hỏa, cảnh sát và y tế.

Trong khi đó, trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona nhấn mạnh các trường học cần tiếp tục mở cửa, và Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để học sinh tới trường.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bản thân Nhà Trắng đã ủng hộ các thống đốc áp dụng các chính sách cụ thể như yêu cầu về khẩu trang, tiêm chủng.

Giới chức chính quyền Mỹ vẫn liên lạc hàng ngày với các thống đốc bang, khuyên họ tuân theo các hướng dẫn của CDC và thông báo về những diễn biến mới nhất. Trong vài tuần qua, chính quyền liên bang đã cử các đội ứng phó khẩn cấp đến hàng chục bang và tăng cường năng lực xét nghiệm và tiêm chủng.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã phải chật vật khi tỷ lệ ủng hộ sụt giảm từ mùa thu. Các thành viên Dân chủ buộc phải thừa nhận rằng Omicron lây lan sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới chiến lược bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới của đảng này.

Lo sợ về kịch bản xấu trong tháng 11, các thành viên Dân chủ đã thúc đẩy ông Biden đóng vai trò nổi bật hơn nữa trong việc đưa ra thông điệp vượt qua cuộc khủng hoảng. Ông Simon Rosenberg, một chiến lược gia Dân chủ, cho rằng chính quyền Mỹ đang có cơ hội to lớn để nhấn mạnh vào sự kiên cường và sức mạnh của người dân Mỹ trong đại dịch.

Thùy Dương/Báo Tin tức
WHO công bố thêm thông tin về biến thể Omicron
WHO công bố thêm thông tin về biến thể Omicron

Ngày 4/1, quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Abdi Mahamud cho biết ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây ra những triệu chứng nhẹ hơn các biến thể đã được phát hiện trước đó của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN