Mỹ có nguy cơ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm

Các cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế cảnh báo, Mỹ có thể sẽ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm nếu trong năm nay, chính phủ Mỹ không đề ra được một kế hoạch đáng tin cậy để giảm thâm hụt ngân sách liên bang.

 

Lời cảnh báo được đưa ra trong lúc ngày càng nhiều người dự đoán rằng các quyết định liên quan đến thuế và chi tiêu ngân sách chính phủ của Mỹ sẽ được lùi sang năm 2013 vì các nhà lập pháp sẽ không có thời gian để giải quyết các việc này trong thời gian ngắn ngủi từ sau bầu cử tổng thống vào tháng 11 đến hết năm nay. Việc lùi thời hạn này không hẳn sẽ dẫn đến việc bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, nhưng các hãng định giá tín dụng cho rằng Oasinhtơn cần một kế hoạch thực sự để giảm mức nợ công hiện đang ngày càng phình to nếu muốn tránh việc bị hạ điểm trong tương lai.

 

Ngày 2/1/2012, hàng trăm người tham gia lễ hội đã tuần hành dọc đại lộ Colorado ở thành phố Pasadena, bang California (Mỹ) nhằm hưởng ứng phong trào Chiếm phố Wall. Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu cải thiện trong năm 2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Ngày 25/5, giới quan sát nhận định khó có thể có bất cứ quyết định nào liên quan đến vấn đề nợ công được đưa ra trước cuộc bầu cử tháng 11, vì cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang xây dựng chiến dịch của họ dựa trên các khác biệt về thuế và chi tiêu ngân sách. Thay vào đó, Quốc hội Mỹ sẽ phải chờ sau bầu cử mới quyết định có nâng mức trần nợ công và kéo dài chương trình giảm thuế hay không. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại hơn khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner mới đây đã tái khẳng định rằng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ không nâng mức nợ trần một lần nữa.

 

Trong ba hãng đánh giá tín dụng lớn hiện chỉ có Standard & Poor's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, còn Fitch và Moody's đều đã đặt nền kinh tế số một thế giới vào diện triển vọng tiêu cực, tức là có thể sẽ bị hạ điểm trong tương lai nếu không có thay đổi. Fitch coi 2013 là năm hết sức quan trọng để Oasinhtơn có hành động với vấn đề nợ và hãng này sẽ chờ đến cuối năm 2013 mới có quyết định hạ điểm hay không, dựa trên hành động của Nhà Trắng sau bầu cử.

 

Ông Steve Bell, Giám đốc cao cấp phụ trách chính sách kinh tế của Trung tâm Chính sách Lưỡng Đảng, cho rằng nếu Quốc hội Mỹ không đề ra một tiến trình để đảm bảo rằng vấn đề sẽ được giải quyết thực sự thì khó tránh khỏi nguy cơ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm. Ông nêu rõ "các thị trường trên khắp thế giới đang theo dõi sát hành động của Chính phủ Mỹ".

 

Các cơ quan đánh giá tín dụng hiện đang phải chịu sức ép lớn về vấn đề đánh giá tín dụng của Mỹ. Uy tín của các hãng này từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua khi họ cho điểm tốt với các sản phẩm tài chính mà sau đó đã chứng tỏ là không có giá trị.

 

 

TTXVN/Tin tức

"Con đường màu xanh" của kinh tế Mỹ
"Con đường màu xanh" của kinh tế Mỹ

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị thừa nhận rằng, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama có mối quan hệ chặt chẽ với giá nhiên liệu. Một điều dễ thấy là khi giá xăng dầu tại Mỹ tăng vọt thì ngay lập tức tỷ lệ ủng hộ đối với ông Obama giảm mạnh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN