Các quan chức Mỹ trên thực địa nói rằng việc rút quân thực tế đã tiến hành và cột mốc ngày 1/5 chỉ là tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, Washington ra thông báo nhấn mạnh về mốc này vì đây là hạn chót đã nhất trí với lực lượng Taliban trong năm 2020 về việc rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan. Bầu trời Kabun và trên căn cứ không quân Bagram gần đó tấp nập các máy bay trực thăng Mỹ hơn thường lệ khi quá trình rút quân được khởi động, tiếp theo việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bắt đầu rút lực lượng khỏi Afghanistan từ ngày 29/4.
Dấu chấm hết cho cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ tại Afghanistan đang được vẽ lên bất chấp bạo lực vẫn không ngớt ở quốc gia Nam Á này. Ngày 30/4, một vụ đánh bom xe xảy ra ở khu vực Pul-e-Alam, phía Nam thủ đô Kabun, làm ít nhất 21 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Đây không khác một cảnh báo về những diễn biến phức tạp đằng sau việc các lực lượng nước ngoài rút đi và thiếu hụt một thỏa thuận hòa bình thực sự giữa Chính phủ Afghanistan cùng Taliban.
Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm chấm dứt cái mà ông gọi là "cuộc chiến bất tận" khi tháng trước thông báo việc rút nốt 2.500 lính Mỹ khỏi Afghanistan sẽ hoàn tất vào dịp đánh dấu 20 năm xảy ra các vụ tấn công khủng bố 11/9. Kể từ năm ngoái khi đạt được thỏa thuận rút quân của Mỹ, Taliban không nhằm trực tiếp vào các lực lượng nước ngoài nữa. Tuy nhiên, bạo lực đẫm máu vẫn xảy ra không ngớt với mục tiêu là các lực lượng chính phủ ở nông thôn hay các vụ tấn công khủng bố ở những khu vực thành thị. Bất chấp những quan ngại về khoảng trống an ninh sau khi các lực lượng nước ngoài rời đi, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định rằng các lực lượng chính phủ đầy đủ khả năng kiềm chế Taliban.
Cuộc chiến 2 thập kỷ của Mỹ tại Afghanistan đã khiến 2.400 lính Mỹ thiệt mạng và tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ USD. Thời điểm cao trào, số quân Mỹ ở Afghanistan từng lên tới 100.000 người vào năm 2011. Hiện số binh sĩ NATO còn ở Afghanistan vào khoảng 9.600 người, trong đó Mỹ có 2.500 binh sĩ và Đức có 1.100 binh sĩ.