Mỹ chấm dứt chương trình kích thích kinh tế

Sau 6 năm với 3 vòng thực hiện, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chấm dứt toàn bộ chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế, thường được gọi là “nới lỏng định lượng” (QE).

Sau cuộc họp định kỳ kéo dài hai ngày kết thúc hôm 29/10, Chủ tịch FED, bà Janet Yellen đã tuyên bố chấm dứt QE với lý do niềm tin vào nền kinh tế ngày càng tăng, thị trường lao động cũng được cải thiện đáng kể sau khi nhiều tháng tạo ra được lượng công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Dù vậy, các thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang của FED vẫn giữ nguyên chính sách lãi suất ở mức siêu thấp gần 0% trong một thời gian tương đối dài nữa, ít nhất là cho đến giữa năm 2015 theo kế hoạch.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau quyết định của FED.


Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008, FED đã bơm một lượng tiền khổng lồ để mua trái phiếu kho bạc và trái phiếu thế chấp. Mục đích cơ bản của việc này là tăng thêm thanh khoản cho các thị trường vốn bị đình trệ trong cuộc khủng hoảng tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách kéo giảm lãi suất.

Sau ba vòng thực hiện, FED đã đưa vào nền kinh tế Mỹ trong thời kỳ khó khăn khoảng 4.400 tỷ USD, qua đó khuyến khích đầu tư và tiêu dùng. Trước khi ngừng hẳn gói kích thích cuối cùng là QE3, FED đã giảm dần dần quy mô để tránh gây sốc cho thị trường, với liều lượng bơm vào nền kinh tế từ 85 tỷ USD/tháng xuống còn 15 tỷ USD/tháng.

Vậy với những biện pháp trên, kinh tế Mỹ đã được lợi những gì?

QE1 bắt đầu từ tháng 11/2008 và QE2 bắt đầu từ tháng 8/2010 đến tháng 6/2011 đã mang lại những hiệu ứng rõ rệt, giúp giảm căng thẳng về thanh khoản trên các thị trường, khi nền kinh tế Mỹ rơi xuống đáy của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Tính chung cả trong thời gian thực hiện chương trình bơm vốn, sản lượng kinh tế Mỹ tăng gần 3%; tỷ lệ thất nghiệp giảm 1 điểm phần trăm nhờ hơn 2 triệu việc làm được tạo ra; chỉ số S&P 500 tăng 129% kể từ năm 2008, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng từ 44,9 lên 94,5 điểm, doanh số bán ô tô tăng 61%, GDP thực tăng 9,8%...

Theo ông Joe Gagnon, thành viên cấp cao thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, các gói QE đã làm tăng niềm tin và thuyết phục các nhà đầu tư rằng kinh tế Mỹ sẽ không đình trệ. Trong thời gian này, các thị trường Mỹ thực sự hoạt động suôn sẻ hơn.

Tuy nhiên cũng còn những ý kiến khác. Một số chuyên gia cho rằng khó mà phân định rạch ròi được kết quả nào là nhờ QE và kết quả nào là do quá trình tự phục hồi của nền kinh tế sau suy thoái. Thực tế là trong các đợt suy thoái trước đó, kinh tế Mỹ vẫn phục hồi cho dù không hề có QE. Cũng có thể QE trợ giúp nền kinh tế, nhưng rất khó để biết hỗ trợ ở mức độ nào.

Khi không còn QE, FED cho biết sẽ tập trung giữ lạm phát ở mức 2% và hỗ trợ thị trường lao động sao cho tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 5%. Theo chuyên gia Michael Gregory thuộc BMO Capital Markets, FED hiện đã chính thức chuyển sang chính sách trung lập, không mua cũng như không bán tài sản, không giảm cũng không tăng lãi suất. Chính sách này được duy trì bao lâu còn tùy thuộc vào số liệu của nền kinh tế trong thời gian tới.

Sau quyết định của FED, các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm nhưng ở mức độ nhẹ. Trong khi đó, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần so với đồng yen Nhật Bản.

Thùy Dương

Mỹ rút dần gói kích thích kinh tế
Mỹ rút dần gói kích thích kinh tế

Từ 85 tỷ USD/tháng, chương trình kích thích kinh tế lần thứ ba của Mỹ (QE3) nay đã bị giảm xuống còn 75 tỷ USD/tháng sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Quyết định này cho thấy FED phần nào đã tự tin vào con đường mà kinh tế Mỹ đang đi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN