Mỹ 'bủa vây', Triều Tiên cảnh báo sẽ thử hạt nhân bất cứ lúc nào

Triều Tiên cảnh báo nước này sẽ tiến hành một cuộc thử hạt nhân vào "bất kỳ thời gian và địa điểm nào" theo chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thị sát cuộc tập trận của đơn vị pháo binh Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Trong tuyên bố mới nhất gây lo ngại cho khu vực, ngày 1/5, hãng thông tấn trung ương KCNA dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng "hoàn toàn sẵn sàng đáp trả bất kỳ lựa chọn nào của Mỹ".

Ngoài ra, người phát ngôn này cũng cho biết chính quyền Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường khả năng "tấn công hạt nhân phủ đầu", trừ khi Washington loại bỏ những chính sách thù địch.

Khi đề cập tới khả năng tiến hành cuộc thử hạt nhân lần thứ 6, quan chức trên nêu rõ: "Các biện pháp tăng cường hạt nhân tới mức tối đa của Triều Tiên sẽ được thực hiện một cách liên tục tại bất kỳ thời gian và địa điểm nào do ban lãnh đạo tối cao của chúng tôi quyết định".

Căng thẳng cao độ trên Bán đảo Triều Tiên đã kéo dài nhiều tuần nay, trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị một vụ phóng tên lửa tầm xa hoặc một vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.

Hàn Quốc và Mỹ ngày 30/4 đã kết thúc cuộc tập trận thường niên quy mô lớn "Đại bàng non", song vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung riêng rẽ. Cuộc tập trận với sự tham gia của 20.000 binh sĩ Hàn Quốc và 10.000 binh sĩ Mỹ diễn ra sau cuộc tập trận chung giữa hai nước có tên gọi "Giải pháp then chốt" vừa kết thúc hồi tháng trước.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trước đó ngày 27/4 xác nhận cuộc tập trận hải quân chung giữa Hàn Quốc và Mỹ ở vùng biển Nhật Bản vẫn đang diễn ra. Mỹ đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson tham gia cuộc tập trận này. Mục đích của cuộc tập trận là nâng cao khả năng phối hợp giữa các đồng minh trong việc theo dõi và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của kẻ địch.

Bên cạnh tiến hành các cuộc tập trận, chính quyền Mỹ cũng tăng cường thảo luận với các đồng minh châu Á nhằm đảm bảo duy trì sự phối hợp gây áp lực với Bình Nhưỡng trong vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ ngày 30/4 với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về các phương thức nhằm duy trì sức ép về ngoại giao cũng như kinh tế đối với Triều Tiên.
 
Trước đó, Tổng thống Trump cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte về nhiều vấn đề song phương và thế giới, trong đó có tình hình Triều Tiên. Tuần trước, ông Trump cũng đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus nhấn mạnh Mỹ cần sự hợp tác ở nhiều mức độ với tất cả các đồng minh trong khu vực để đảm bảo kiểm soát được tình hình. Và trong trường hợp có điều gì xảy ra tại Triều Tiên, các nước sẽ cùng ủng hộ một kế hoạch hành động chung.

Theo các chuyên gia, các bước đi ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump không hoàn toàn có nghĩa Washington đang chuẩn bị hành động mạnh tay với Bình Nhưỡng mà có thể là nhằm xây dựng một liên minh lớn trong khu vực để gây sức ép với Triều Tiên.

TTXVN/Tin Tức
Mỹ can thiệp mạng khiến tên lửa đạn đạo Triều Tiên nổ tung?
Mỹ can thiệp mạng khiến tên lửa đạn đạo Triều Tiên nổ tung?

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 29/4 nổ tung sau khi rời bệ phóng vài chục km làm dấy lên nghi ngờ về việc Mỹ tiến hành can thiệp mạng khiến nỗ lực thử tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á này thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN