“Mùi sợ hãi” là có thật

“Mùi sợ hãi”, một trong những khái niệm kinh hoàng nhất trong các tiểu thuyết hư cấu giật gân, mới đây đã được các nhà khoa học kết luận là có tồn tại trên thực tế.

Theo các nhà nghiên cứu, con người có thể phát hiện một cách vô thức ai đó đang chịu áp lực hoặc sợ hãi khi ngửi thấy một chất dẫn dụ (pheromone – hay còn được gọi là “hormone xã hội”) hóa học trong mồ hôi của họ.

Sau khi xem xét về sự bài tiết ở nách của các vận động viên nhảy dù mạo hiểm (skydiver), nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, mùi sợ hãi tạo ra một phản ứng tăng cường trong những vùng của não có liên quan đến nỗi sợ. Nghiên cứu này cho thấy, giống như nhiều loài động vật, con người cũng có thể phát hiện và phản ứng ở tiềm thức với những chất dẫn dụ được giải phóng bởi những người khác.

Con người được cho là cũng có thể phát hiện và phản ứng với “mùi sợ hãi” từ người khác. Ảnh:Internet


Nghiên cứu nói trên của Cơ quan nghiên cứu các Dự án quốc phòng tiên tiến Hoa Kỳ (DARPA) - thuộc nhánh nghiên cứu quân sự của Lầu Năm Góc – đang dấy lên những suy đoán rằng, đây là bước đi đầu tiên nhằm cô lập “pheromone sợ hãi” để sử dụng trong tâm lý chiến, có thể nhằm kích động tâm lý khiếp sợ trong binh sĩ đối phương. Tuy nhiên, DARPA cho biết, họ chưa có bất cứ kế hoạch quân sự nào với các chất dẫn dụ sợ hãi hoặc các kế hoạch nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Lilianne Mujica-Parodi, làm việc tại trường Đại học Stony Brook, bang New York, đã đặt những miếng thấm hút vào nách của 20 người lần đầu tiên chơi skydiver. Các miếng hút thấm đẫm mồ hôi trước khi người chơi nhảy khỏi máy bay và rơi tự do. Để so sánh, họ tiếp tục lấy mẫu mồ hôi của những người này khi họ quay cối xay guồng vào cùng thời điểm trong ngày như khi chơi skydiver.

Các nhà nghiên cứu chuyển hai loại mẫu mồ hôi này tới các máy khí dung và đề nghị người tình nguyện, nằm sẵn trong máy quét não, hít thở chúng. Để tránh kết quả bị sai lệch, nhóm nghiên cứu không nói với các tình nguyện viên bất cứ điều gì về thí nghiệm của mình. Kết quả là, hai khu vực liên quan đến nỗi sợ hãi của não là amygdala và hypothalamus đã hoạt động tích cực hơn ở những người hít thở loại mồ hôi “sợ” so với những người hít loại mồ hôi “mệt”.

Bà Mujica Parodi đã gọi đây là “bằng chứng trực tiếp đầu tiên về một chất dẫn dụ sợ hãi ở người”. Trong khi đó, ông Simon Wessley, bác sĩ tâm lý tại Trung tâm nghiên cứu quân y thuộc Đại học King’s London cho biết, ý tưởng chất dẫn dụ sợ hãi có thể được phát triển như một vũ khí hóa học là thiếu thuyết phục về mặt khoa học. Theo ông, tâm trạng sinh lý học đơn thuần không đủ để gây ra nỗi sợ hãi nếu như người đó không ở trong một tình huống đáng sợ thật.

Phát hiện trên cũng được cho là sẽ gây tranh cãi, bởi hầu hết các nhà nghiên cứu không tin rằng con người có thể phát hiện ra các chất dẫn dụ. Ở các loài động vật có vú khác, khả năng này là có thể nhờ một cấu trúc trong mũi được gọi là vomeronasal. Mặc dù con người có một trong những cơ quan như vậy, nhưng lại không kết nối với não bộ.

Tuy vậy, các chất dẫn dụ ở người có thể vẫn được phát hiện, và một số nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng, cách cư xử của con người có thể được thay đổi bởi một chất dẫn dụ có tính báo động. Trong một nghiên cứu vào năm 2002 chẳng hạn, 60 người đã được đề nghị “phát biểu cảm nghĩ” khi ngửi những miếng thấm mồ hôi của những phụ nữ khi xem bộ phim kinh dị “Candyman” và những người xem phim tài liệu bình thường. Họ đã xếp loại những miếng thấm mồ hôi từ khán giả của phim kinh dị là mạnh hơn, kém dễ chịu hơn và có vẻ “gây hấn” hơn.

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN