Mục đích chuyến thăm Mỹ Latinh của Tổng thống Iran

Chuyến thăm của Tổng thống Iran tới ba quốc gia cánh tả có các điểm chung với Tehran là đều chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: Reuters

Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA (Iran), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bắt đầu có chuyến công du Mỹ Latinh vào ngày 11/6 để tăng cường quan hệ với “các quốc gia có cùng chí hướng và thân thiện” ở khu vực đó.

Cùng với phái đoàn bao gồm các bộ trưởng ngoại giao, dầu mỏ và y tế, ông Raisi dự kiến ​​sẽ ký nhiều thỏa thuận về hợp tác chính trị, thương mại, công nghiệp và khoa học với Venezuela, Nicaragua và Cuba.

Xu hướng thúc đầy mối quan hệ ngày càng tăng của Iran đối với khu vực Mỹ Latinh bắt nguồn từ nhiệm kỳ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013). Là một quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà lãnh đạo Iran theo đường lối cứng rắn không ngừng theo đuổi quan hệ đối tác với các quốc gia Mỹ Latinh cánh tả, thúc đẩy ý tưởng mở rộng ảnh hưởng của Iran ở "sân sau của Mỹ" để hạn chế ảnh hưởng của “đối thủ không đội trời chung” này.

Một loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và ba quốc gia Mỹ Latinh trên trong những năm gần đây đã tạo ra điểm chung để thúc đẩy sự hợp tác ngày càng lớn hơn giữa họ. Iran và Venezuela đã ký một thỏa thuận hợp tác 20 năm vào tháng 7 năm ngoái, khi Tổng thống Nicolas Maduro đến thăm Tehran và được ông Raisi đánh giá cao về khả năng chống lại "các biện pháp trừng phạt và áp lực của chủ nghĩa đế quốc".

Trong chuyến thăm đó, hai quốc gia giàu dầu mỏ đã đạt được các thỏa thuận năng lượng, trong đó Iran cam kết phát triển các nhà máy lọc dầu của Venezuela trong số các dự án khác.

Tại Cuba, ngoài thương mại song phương, hai quốc gia đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận lớn về khoa học y tế và chăm sóc sức khỏe. Sự hợp tác như vậy đã tăng lên trong đại dịch COVID-19. Trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Iran, Viện Pasteur, đã liên doanh với Viện Finlay của Cuba để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 được Iran gọi là PastoCovac.

Trong những năm gần đây, Iran cũng ngày càng làm ấm mối quan hệ với Nicaragua. Chỉ trong tháng 2, Tổng thống Daniel Ortega đã công khai bảo vệ nguyện vọng hạt nhân gây tranh cãi của Tehran khi ông tiếp Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại thủ đô Managua.

Cũng trong chuyến đi trên, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đã ký một biên bản ghi nhớ với người đồng cấp Nicaragua Denis Moncada, một chủ đề dự kiến ​​sẽ được phái đoàn Iran theo đuổi trong chuyến thăm lần này.

Trong hành trình tìm kiếm các đồng minh và đối tác mới với mục đích giảm thiểu áp lực từ các đối thủ phương Tây, Iran dường như không chỉ tập trung vào kinh doanh. Nước này cũng không quên mở rộng ảnh hưởng ý thức hệ của mình.

Giáo sĩ theo đường lối cứng rắn Ali Saeedi, người đứng đầu cơ quan chính trị thuộc Văn phòng của nhà lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, cho biết: “Một số người đặt câu hỏi về triết lý liên quan đến sự hiện diện của chúng tôi ở Mỹ Latinh, nhưng cần phải toàn cầu hóa đạo Hồi và truyền bá nó đến mọi nơi trên thế giới”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Al-monitor.com)
Iran chính thức mở lại Đại sứ quán tại Saudi Arabia
Iran chính thức mở lại Đại sứ quán tại Saudi Arabia

Iran ngày 6/6 đã chính thức mở lại Đại sứ quán tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia sau 7 năm đóng cửa, qua đó củng cố thỏa thuận xích lại gần nhau do Trung Quốc làm trung gian.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN