Mùa xuân Arập - Hai năm nhìn lại

Phong trào nổi loạn tại Trung Đông và Bắc Phi được châm ngòi từ một sự kiện nhỏ ở Tuynidi đã dẫn tới sự sụp đổ của một loạt chính phủ cầm quyền trong khu vực. Nhiều người đã kỳ vọng rằng các cuộc nổi loạn được truyền thông phương Tây gọi là “cách mạng” sẽ mang lại một nền dân chủ và giúp thúc đẩy kinh tế tại các quốc gia này. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan đó giờ đã không còn trước những bất ổn về chính trị - xã hội, yếu kém về kinh tế tại những nơi mà “Mùa xuân Arập” đã đi qua...


Được gì từ “trách nhiệm bảo vệ”?


Khởi đầu từ Tuynidi, nhưng Libi mới là nơi thu hút sự quan tâm của quốc tế trong hai năm qua vì nơi đây diễn ra chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây dưới cái ô bảo trợ mang tên “trách nhiệm bảo vệ”. Ngay sau khi NATO tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự nhằm hỗ trợ lực lượng nổi loạn lật đổ chính quyền của Tổng thống Moamer Gahdafi thì Libi lại rơi vào một cuộc “nội chiến” mới khi các bộ tộc tại miền đông giàu dầu mỏ, trong đó có thành phố Benghazi, đòi thành lập khu vực tự trị.


Hàng ngàn người biểu tình trước cổng Bộ Nội vụ Tuynidi ngày 8/2/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Thay vì một cuộc sống bình yên sau bạo loạn, người dân tại miền đông Libi tiếp tục chứng kiến một chế độ trị vì của các nhóm dân quân vũ trang quyết không “giã từ vũ khí”. Họ phải thường xuyên chứng kiến các vụ tấn công cảm tử do những phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra, nhằm vào người nước ngoài và cảnh sát nhưng cũng lấy đi sinh mạng của nhiều dân thường. Lỗ hổng an ninh tại đây ngày càng lớn, và người dân không còn lựa chọn nào khác là phải tìm cách tự bảo vệ chính mình sau khi phương Tây đã hoàn thành “trách nhiệm bảo vệ”.


Hai năm qua, những tin tức về bạo loạn, tấn công, chết chóc tại Benghazi nói riêng và Libi nói chung vẫn nóng bỏng trên các trang báo. Ầm ĩ nhất là vụ tấn công nhằm vào lãnh sự quán Mỹ cuối năm 2012 khiến 4 quan chức ngoại giao thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libi. Hãng tin BBC (Anh) dẫn lời Bilal Bettamer, một cử nhân luật từng tham gia cuộc nổi loạn cách đây hai năm, nói rằng “tinh thần chiến đấu, chứ không phải tháo chạy, vẫn hừng hực tại Benghazi”. Còn nhà hoạt động Zeid el-Ragas nói với hãng tin Reuters (Anh) rằng người nào ở Benghazi cũng mang vũ khí và bất ổn, hỗn loạn vẫn bao trùm.


Đánh bom bằng xe hơi nhằm vào đồn cảnh sát tại Benghazi hôm 15/2/2013.Ảnh: AFP/TTXVN


Các khu vực khác ở quốc gia 6,5 triệu dân này cũng chẳng bình yên hơn là mấy. Xung đột sắc tộc tiếp diễn cộng với các lực lượng trung thành với chế độ cũ tiếp tục chiến dịch “báo thù”. Các vụ đụng độ do xung đột sắc tộc tại miền nam Libi hồi tháng 3/2012 đã khiến hơn 147 người thiệt mạng và 395 người bị thương. Cuối tháng 10/2012, vụ giao tranh đẫm máu tại thị trấn Bani Walid, cách thủ đô Tripôli 180 km về phía đông nam, đã khiến 220 người thiệt mạng.


Tất nhiên, đó mới chỉ là một phần trong bức tranh “bất ổn vẫn hoàn bất ổn” tại Libi, bất chấp cuộc bầu cử tự do hồi tháng 7/2012 dẫn tới sự ra đời của chính phủ mới do ông Ali Zidan đứng đầu. Cũng cần phải nói rằng ông Ali Zidan từng là đầu mối liên lạc giữa Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libi (NTC) - tổ chức được thành lập để tiếp quản Libi khi chính quyền của ông Gadhafi bị lật đổ - với các nước phương Tây, đặc biệt là các nước Liên minh châu Âu (EU).


Thay tướng vẫn không thể đổi vận


Trong khi đó, tại cái nôi của “Mùa xuân Arập” là Tuynidi, các cuộc biểu tình bạo lực vẫn liên tục diễn ra. Bước vào một thời kỳ chuyển tiếp khá “êm thấm” hướng tới nền “dân chủ” theo cách gọi của truyền thông phương Tây, bầu cử quốc hội lập hiến tại Tuynidi đã được tổ chức tự do và công khai cuối năm 2011, mang lại một chính phủ liên minh dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Hamadi Jebali. Tuy nhiên, nền dân chủ đó vẫn không mang lại bình yên cho quốc gia vỏn vẹn 10 triệu dân này.


Căng thẳng tôn giáo và biểu tình bạo lực thường xuyên diễn ra trong suốt năm 2012 vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế Tuynidi chưa hồi phục. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài bị rút, ngành du lịch chủ đạo chưa hồi sức và thất nghiệp còn cao hơn cả trước khi xảy ra nổi loạn. Thủ tướng Hamadi Jebali buộc phải tuyên bố thành lập chính phủ phi đảng phái sau khi thủ lĩnh đảng Những người yêu nước dân chủ (DPP) đối lập bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng ngày 6/2. Dù vậy, tới thời điểm này, các cuộc đối thoại thành lập chính phủ mới vẫn chưa mang lại kết quả gì khả quan.


Tại Ai Cập - nơi được coi là tâm điểm bởi là quốc gia lớn nhất trong thế giới Arập - lời cảnh báo về sự sụp đổ của đất nước từ Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Abdel Fattah-Sissi, được đưa ra vào đúng dịp kỷ niệm 2 năm nổ ra bạo loạn không phải là không có lý do. Làn sóng biểu tình bạo lực phản đối chính phủ mới đã kéo dài suốt 5 ngày, khiến cho ít nhất 50 người thiệt mạng và 500 người bị thương. Lực lượng đối lập, trong đó có nhóm chính là Mặt trận Cứu quốc (NSF), tới nay vẫn không thể đồng thuận với chính quyền của tân Tổng thống Mohamed Morsi, đại diện cho phong trào Anh em Hồi giáo. Họ cho rằng mục tiêu của cuộc “cách mạng” ngày ấy vẫn chưa được thực hiện và đòi hỏi phải sớm thành lập một chính phủ thống nhất mới, cũng như sửa đổi bản dự thảo hiến pháp gây nhiều tranh cãi.


Cảnh sát Ai Cập sử dụng vòi rồng giải tán người biểu tình chống chính phủ hôm 15/2/2013.Ảnh: AFP/TTXVN


Tại Yêmen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã từ bỏ quyền lực nắm giữ suốt 33 năm sau nhiều tháng biểu tình. Dù có tổng thống mới từ tháng 2/2012 nhưng bạo lực vẫn diễn ra triền miên tại quốc gia Trung Đông này. Trong khi các vụ tấn công của lực lượng khủng bố al-Qaeda nhằm vào các cơ quan chính phủ, an ninh và quân đội tiếp tục diễn ra, thì người dân Yemen vẫn thường xuyên biểu tình rầm rộ đòi cải cách chính phủ. Họ cho rằng “chế độ cầm quyền hiện tại hầu như không có gì thay đổi kể cả khi ông Saleh từ nhiệm”. Tổng thống mới Abdrabbu Mansour Hadi đã tuyên bố tổ chức đối thoại dân tộc vào ngày 18/3 tới với các phe nhóm đối lập để soạn thảo hiến pháp mới và luật bầu cử cho tổng tuyển cử vào năm 2014.


Còn tại Baranh, nơi chế độ cầm quyền đã may mắn trụ vững trước cơn bão nổi loạn nhờ sự can thiệp quân sự của Arập Xêút, các cuộc biểu tình của những người Hồi giáo dòng Shi’ite chiếm đa số phản đối tình trạng bị phân biệt đối xử và đòi chính phủ của người Sunni tăng quyền dân chủ vẫn diễn ra như cơm bữa. Bạo lực cũng đã nổ ra tại nhiều khu vực nơi người Shi’ite chiếm đa số và chính phủ đang phải triển khai đối thoại với các tổ chức chính trị và xã hội dân sự. Vòng đàm phán thứ hai bắt đầu từ ngày 10/2 vừa qua vẫn đang bị phủ bóng đen bởi các cuộc biểu tình bạo lực sau khi cảnh sát lỡ “quá tay” với những người biểu tình.


Như nhận định của chuyên gia Nathan Brown thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, việc “thay tướng” vẫn chưa thể “đổi vận” cho các quốc gia trải qua mùa xuân năm ấy là bởi không có một tư duy hệ thống về mô hình thay thế cho các chế độ cầm quyền. Việc xây dựng các hệ thống chính trị mới hóa ra khó khăn hơn nhiều so với tính toán ban đầu. Cản trở lớn nhất đối với tiến trình chuyển tiếp tại các quốc gia này hiện nay không phải là “quan điểm hay hành động cụ thể của một nhân tố lãnh đạo cụ thể nào”, mà chính là “sự phân cực giữa các đảng phái chính trị, nhóm lợi ích và việc không có đủ khả năng khỏa lấp những khác biệt đó, thậm chí là tìm được một tiếng nói chung”.



Lê Dương

Trung Đông-Bắc Phi hậu 'Mùa Xuân Arập' vẫn bất ổn

Gần hai năm kể từ khi bùng phát làn sóng chính biến mang tên "Mùa Xuân Arập", khu vực Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục trải qua những biến động lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN