Một cái nhìn Nga khác về xung đột biển Đông

Ngày 7/6/2014, tờ báo độc lập “Nước Nga Xô-viết” đăng bài báo “Việt Nam không phải là Crimea” của ông Vladimir Mazyrin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và Việt Nam thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga nhằm phản bác những luận điệu sai trái của phóng viên hãng thông tấn “Russia Today” Dmitry Kosyrev đưa ra trong bài báo “Hợp tác Nga-Trung cao hơn mọi tuyên bố” đăng trên trang web ria.ru trước đó ít ngày song đã bị gỡ bỏ.

Ông Mazyrin đưa ra những lập luận sau:

- Thứ nhất, việc so sánh cuộc xung đột Việt-Trung trước thềm chuyến thăm Trung Quốc (TQ) của ông Putin như một yếu tố phá hoại chuyến thăm là không có cơ sở khi Nga có quan hệ đối tác chiến lược ngang bằng và cùng lúc với cả Việt nam và TQ và cả hai nước đều thể hiện mong muốn giữ quan hệ tốt đẹp với Nga. Cá nhân tác giả đã vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp khi để sự non kém kiến thức lịch sử và pháp lý làm phương hại quan hệ giữa hai nhà nước. Lãnh đạo hãng “Russia Today”, một gương mặt được Tổng thống Putin tín nhiệm cũng phạm sai lầm khi duyệt đăng bài báo này.

Ông Vladimir Mazyrin. Ảnh: AP


- Thứ hai, tác giả Kosyrev đã có sự nhầm lẫn tai hại về lịch sử Việt Nam: Một là, Kosyrev cho rằng Việt Nam cản trở hành động hợp pháp của công ty dầu khí TQ, song trên thực tế việc TQ tự ý đưa ra “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, tuyên bố chủ quyền đối với cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hành động đi vượt quá phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của TQ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia nằm ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, vi phạm trực tiếp Luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước LHQ về luật Biển 1982.

Hai là, tác giả Kosyrev ủng hộ việc TQ đặt giàn khoan ở Biển Đông vì cho rằng vị trí đặt giàn khoan nằm sát quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa), gần bờ biển TQ hơn gấp 10 lần so với bờ biển Việt Nam (ở toạ độ 15°29′58″ vĩ Bắc và 111°12′1″ kinh đông). Tuy nhiên Kosyrev đã lầm vì quần đảo Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của TQ. Trên thực tế, vị trí đặt giàn khoan cách đảo Hải Nam của TQ tới 180 hải lý, trong khi đó chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý. Nghĩa là vị trí đặt giàn khoan thuộc khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của hai quốc gia tiếp giáp và theo luật biển thì quyền ưu tiên chủ quyền thuộc về quốc gia có thềm lục địa kéo dài tới vùng chồng lấn này. Trong trường hợp này, theo luật pháp quốc tế Việt Nam được quyền ưu tiên. Ngoài ra Việt Nam còn rất nhiều chứng cứ lịch sử khác chứng minh Hoàng Sa là của Việt nam.

- Thứ ba, Kosyrev không phân biệt được những điểm khác biệt lớn giữa hai nước Việt Nam và TQ khi cho rằng người Việt và người Hoa giống nhau từ ngoại hình đến ngôn ngữ và văn hoá, đặc biệt là ở các tỉnh giáp biên và kết luận Việt Nam là một tỉnh của TQ. Song trên thực tế từ ngàn năm lịch sử Việt Nam luôn nỗ lực chứng tỏ Việt Nam không phải là TQ và có nền văn hoá, ngôn ngữ với bản sắc riêng.

- Thứ tư, tác giả Kosyrev đã có cái nhìn phiến diện, không hữu nghị và phá hoại quan hệ Việt-Nga khi so sánh Việt Nam là Ukraine của TQ. Tác giả cho rằng xung đột Việt-Trung là tấm gương phản chiếu của khủng hoảng Ukraine. Song trên thực tế đây là hai việc khác nhau hoàn toàn. Xung đột ở biển Đông là do hành động phi pháp đơn phương của TQ gây nên, trong khi đó xung đột Nga-Ukraine do yếu tố bên ngoài, chủ yếu là Mỹ tác động.

Crưm (Crimea) là lãnh thổ lịch sử của người Nga từ thời Sa Hoàng và trước đó nhiều thế kỷ người Nga đã sinh sống ở đây. Nga có đủ căn cứ pháp lý, lịch sử và nhân văn để đưa Crưm về lãnh thổ Nga. Trong khi đó các hòn đảo ở biển Đông hầu hết là đảo hoang, trong lịch sử từng nằm dưới sự kiểm soát của rất nhiều quốc gia và không có hoạt động khai thác kinh tế liên tục. Các hòn đảo này gần như bị lãng quên trước khi giới khoa học phát hiện ra trữ lượng tài nguyên dưới đáy biển.

- Thứ năm, phóng viên Kosyrev đã phiến diện và thù địch khi khẳng định rằng Việt Nam cũng đang tiến hành cuộc chơi trục lợi trong mối quan hệ TQ với Mỹ và phương Tây nói chung giống như chính quyền Ukraine. Song trên thực tế, chính quyền Ukraine là chính quyền con rối, tiếm quyền bằng con đường bất hợp pháp và bạo động cách mạng, là tay sai của Mỹ nhằm chống Nga. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam là chính quyền hợp pháp tuyệt đối, được sự ủng hộ cao của nhân dân. Việt Nam độc lập trong mối quan hệ với Bắc Kinh mặc dù có sự phụ thuộc cao về kinh tế.

Vì vậy nói Việt Nam bị điều khiển từ bên ngoài là mù quáng và Việt Nam không phải là “con tốt thí” trên ván cờ chính trị giữa TQ với phương Tây. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, nhân tố độc lập và tích cực trong nền chính trị toàn cầu, là thành viên có trách nhiệm của LHQ. Sự ủng hộ của Mỹ, EU đối với Việt nam không phải vì Việt Nam có các hành động chống TQ mà là do những thành tựu kinh tế, môi trường đầu tư hấp dẫn mà Việt Nam đã tạo dựng được. Việt Nam cũng không phải là công cụ để Mỹ gây áp lực lên Nga.

- Thứ sáu, nếu đánh giá khách quan thì bài báo của Kosyrev cũng có một số kết luận chính xác. Chẳng hạn Moskva cần phải nói lên lập trường của Nga đối với xung đột Việt-Trung song Nga đã cố gắng đứng ra ngoài lề. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là Hà Nội đã không ủng hộ hành động của nga đối với vấn đề Crưm nói riêng và cuộc khủng hoảng ở Ukraine nói chung. Kosyrev đã đưa ra câu hỏi công bằng rằng Nga có cần phải đưa ra phát ngôn về vấn đề này không và có nên đứng về phía TQ trong khi Việt Nam là bạn và đối tác chiến lược của Nga? Ở đây Nga cần lưu ý sẽ đạt được điều gì cụ thể từ những phát ngôn của mình ngoài việc làm tình hình trở nên phức tạp hơn? Về vấn đề này, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố rõ Nga không kết bạn với bất cứ nước nào (ám chỉ TQ) nhằm chống lại nước thứ ba và tất nhiên đều này là đúng đắn.

Việt Nam ngày nay là đất nước tầm trung xét về kinh tế và đứng thứ hai Đông Nam Á về dân số, có tiềm lực quốc phòng tương đối hùng mạnh. Vì vậy, tôi cho rằng nhà phân tích người Australia Carl Thayer đã công bằng khi nhận định trong tam giác Mỹ-Trung-Việt Nam thì Hà Nội sẽ không chấp nhận trở thành đồng minh với Washington để chống TQ  vì Mỹ có thể mặc cả với TQ  trên lưng Việt Nam về vấn đề biển Đông. Nga thì ngược lại, không bao giờ làm như thế!


Cao Cường (Phóng viên TTXVN tại Moskva)
G7 ra tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông
G7 ra tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông

Tối qua (4/6), hội nghị Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc tại Brussels (Bỉ) với chủ đề chính là cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng tại Biển Đông cũng khiến các nhà lãnh đạo G7 đặc biệt quan tâm lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN