Mỗi năm, 15.000 người Ấn Độ bị tàu hỏa cán chết

Một ủy ban của chính phủ Ấn Độ đã cáo buộc nhà chức trách ngành đường sắt tội “thảm sát” sau khi một báo cáo cho thấy, mỗi năm có gần 15.000 người Ấn bị tàu hỏa chẹt chết khi băng ngang đường ray.

Hệ thống đường sắt của Ấn Độ nổi tiếng là chật chội và thiếu an toàn. Ảnh Internet.


Bản báo cáo của Ủy ban Xem xét An toàn cấp cao Ấn Độ cho biết, chỉ riêng tại hệ thống đường sắt đông đúc ở các ngoại ô cũng có khoảng 6.000 người bị cán chết mỗi năm. Khoảng 1.000 người khác thiệt mạng do nhảy từ các toa tàu chật chội xuống đất khi tàu va đụng hoặc trật ray. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra tại các đoạn đường sắt giao nhau mà không có người điều khiển.

Mạng lưới đường sắt với tổng chiều dài tới 64.000 km của Ấn Độ đi xuyên qua nhiều thành phố có mật độ dân cư đông bậc nhất thế giới, hoặc men theo những khu ổ chuột rộng lớn tại đất nước 1,2 tỉ dân này.

Các chuyên gia đường sắt cho rằng, việc ngăn khách bộ hành đi ngang qua đường ray ở các khu đông dân cư hầu như là không thể. “Tình hình đặc biệt nguy hiểm ở Mumbai, nơi có tới 4 hoặc 5 đường tàu, thậm chí nhiều hơn nữa, nằm song song, và người dân sống ở các khu ổ chuột hai bên không còn lựa chọn nào khác là phải đi ngang qua chúng”, một chuyên gia của công ty đường sắt IMS Rana nói.

Hành khách ngồi chờ tàu ngay trên đường ray ở thủ đô New Delhi. Ảnh Internet.


Ủy ban Xem xét An toàn cấp cao, được chính phủ thành lập hồi tháng 9/2011 sau khi xảy ra một loạt vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Ước tính mỗi ngày, có khoảng 20 triệu lượt người Ấn Độ đi lại bằng tàu hỏa. Báo cáo của Ủy ban này kêu gọi chính phủ lắp đặt khẩn cấp các cầu vượt tại toàn bộ các đoạn giao nhau của đường sắt với đường bộ, với chi phí ước tính 500 tỉ rupee (10 tỉ USD) trong vòng 5 năm tới. “Một xã hội văn minh không thể chấp nhận tình trạng “thảm sát” như vậy trên hệ thống đường sắt của mình”, báo cáo viết.

Ủy ban Xem xét An toàn cấp cao do nhà khoa học Anil Kakodkar lãnh đạo cũng đổ lỗi cho nhà chức trách đường sắt Ấn Độ về thực trạng “nhẫn tâm” nói trên do quản lý kém và thiếu các tiêu chuẩn an toàn.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN