Mối đe dọa lớn đang rình rập Dải Gaza: dịch bệnh

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo những căn bệnh chết người lây truyền qua đường nước sẽ tấn công Dải Gaza nếu viện trợ bị cản trở.

Chú thích ảnh
Người dân Palestine xếp hàng chờ lấy nước tại thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza, ngày 18/10. Ảnh: THX/TTXVN

Bốn đứa con của Waseem Mushtaha đã nghỉ học gần hai tuần. Thay vì học toán hay địa lý, chúng được dạy cách phân chia nước. “Mỗi ngày, tôi đổ đầy một chai nước cho mỗi đứa và nói: Hãy cố gắng giải quyết vấn đề này. Lúc đầu chúng gặp khó khăn nhưng bây giờ đang tự đối phó”, Mushtaha đang sống tại thành phố Khan Younis phía Nam Gaza chia sẻ với Al Jazeera.

Sau khi Israel yêu cầu 1,1 triệu người Palestine ở phía Bắc Gaza sơ tán, Mushtaha đã chở vợ và các con từ 8 đến 15 tuổi đến nhà dì của mình ở Khan Younis. Anh nói: “Mọi người ngủ trên đường phố, trong cửa hàng, thánh đường Hồi giáo, trong ô tô”. Gia đình Mushtaha sống cùng khoảng 100 người chen chúc trong một căn hộ rộng 200 m2 và vẫn được coi là may mắn.

Là nhân viên về nước và vệ sinh của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam, Mushtaha nhận thấy những dấu hiệu của thảm họa sức khỏe cộng đồng có nguy cơ xảy ra xung quanh mình.

Năm 2022, dịch tả lây lan khắp Syria và Lebanon, khiến ít nhất 97 người thiệt mạng. Richard Brennan, giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói: “Mặc dù dịch bệnh chưa được ghi nhận ở các vùng lãnh thổ của Palestine trong nhiều thập kỷ, nhưng có thể hình dung rằng vi khuẩn đã được đưa vào và các điều kiện hiện chín muồi để nó lây lan”. Đại diện của WHO cho biết thêm “nhận được viện trợ là rất quan trọng”.

Các sản phẩm vệ sinh đã biến mất khỏi một số siêu thị ở Gaza. Các nhà cung cấp tư nhân điều hành các cơ sở khử muối nhỏ chạy bằng năng lượng Mặt Trời đã tăng giá gấp đôi giá nước họ bán kể từ ngày 7/10 - khi Israel bắt đầu ném bom Gaza để trả đũa cuộc tấn công bất ngờ do lực lượng Hamas thực hiện. Hôm 18/10, Mushtaha ước tính gia đình anh sẽ hết nước trong 24 giờ nữa. Sau đó, anh không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Oxfam cùng các cơ quan của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng dịch vụ nước và vệ sinh bị hủy hoại sẽ gây ra dịch tả và các bệnh truyền nhiễm chết người khác nếu không có viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Israel đã khóa đường ống dẫn nước tới Gaza, cùng với nguồn cung cấp nhiên liệu và điện để cung cấp cho các nhà máy nước và xử lý nước thải.

Hầu hết 65 trạm bơm nước thải của Gaza và tất cả 5 cơ sở xử lý nước thải tại đây đã buộc phải ngừng hoạt động. Theo Oxfam, nước thải chưa qua xử lý hiện đang đổ ra biển trong khi chất thải rắn cũng tràn ra một số đường phố cùng với các thi thể đang chờ được chôn cất.

Các nhà máy khử muối đã ngừng hoạt động và chính quyền không thể bơm nước đến các khu dân cư vì thiếu điện. Một số người dân ở Gaza đang dựa vào nước máy mặn từ tầng ngậm nước duy nhất, vốn đã ô nhiễm bởi nước thải, hoặc phải uống nước biển.

Liên hợp quốc cho biết hiện tại ở Gaza chỉ có 3 lít nước/ngày cho mỗi người để đáp ứng mọi nhu cầu của họ bao gồm uống, giặt, nấu ăn và xả vệ sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ 50-100 lít nước mỗi ngày là lượng được khuyến nghị để đáp ứng các yêu cầu cơ bản về sức khỏe của một người.

Chú thích ảnh
Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo đi qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập vào Dải Gaza ngày 21/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng tình trạng mất nước và các bệnh lây truyền qua đường nước sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo. Ông Mathew Truscott, một lãnh đạo Oxfam, cho biết cảm thấy thất vọng trước viễn cảnh dịch bệnh có thể lây lan trong khi nước và thuốc men chất đống cách biên giới vài km. Ông nói: “Dịch tả chỉ là một trong nhiều bệnh truyền qua đường nước. Nếu chúng ta có thể nhận được viện trợ thì rất nhiều bệnh có thể được ngăn chặn. Tuy nhiên, không thể thực hiện các hoạt động nhân đạo khi vẫn còn bom rơi”.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 18/10 kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza để giảm bớt “nỗi đau khổ tột cùng của con người”.

Đoàn xe tải đầu tiên chở hàng cứu trợ gồm 20 chiếc đã tới Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập vào ngày 21/10. Liên hợp quốc đang hy vọng đoàn xe vận tải thứ hai sẽ đến Dải Gaza vào ngày 22/10, nhằm mở rộng vận chuyển hàng cứu trợ tới dải đất này vào tuần tới.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera)
Trẻ em vô tội tại Gaza phải gánh chịu tổn thương sâu sắc vì xung đột
Trẻ em vô tội tại Gaza phải gánh chịu tổn thương sâu sắc vì xung đột

Trẻ em chiếm khoảng một nửa trong số 2,3 triệu dân số Dải Gaza. Những đứa trẻ vô tội này đang có nhiều dấu hiệu tổn thương hơn bao giờ hết sau hai tuần bị Israel tấn công. Chúng không có nơi nào an toàn để tránh trú khỏi những quả bom, và tâm trạng sợ hãi luôn thường trực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN