Mexico sẽ thua thiệt nhiều nhất nếu Mỹ rời khỏi NAFTA

Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), kể từ khi có hiệu lực vào năm 1994, đã thúc đẩy thương mại của các quốc gia thành viên, nhất là thương mại giữa Mexico và Mỹ. Nhờ những ưu đãi thuế quan của hiệp định này, xuất khẩu của Mexico sang Mỹ đã tăng gấp bảy lần và ngược lại, xuất khẩu của Mỹ sang Mexico cũng tăng tới 4 lần.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đe dọa sẽ rời khỏi NAFTA nếu không đạt được lợi ích trong quá trình tái đàm phán.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) tại vòng tái đàm phán NAFTA đầu tiên ở Washington, Mỹ ngày 16/8. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phân tích của trang mạng Milenio, kịch bản Mỹ rời khỏi NAFTA ít có khả năng xảy ra bởi sự liên kết chặt chẽ giữa các chuỗi sản xuất. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp.

Nhiều lần, ông Donald Trump đề cập đến việc áp thuế nhập khẩu lên tới 35% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Mexico, nếu không có NAFTA và điều tất yếu là Mexico cũng sẽ đáp lại bằng biện pháp thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ.

Việc nâng thuế dẫn tới giá cả hàng hóa tăng theo và phần giá trị gia tăng này sẽ chuyển gánh nặng lên túi tiền của người tiêu dùng - điều sẽ tác động xấu tới doanh nghiệp nói riêng và kinh tế của hai nước nói chung, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, điện lạnh.

Hiện hơn 60% phụ tùng và thiết bị ô tô tại Mỹ đều nhập từ Mexico. Do vậy, việc áp thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa của Mexico như đề xuất của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến giá ô tô của Mỹ tăng theo và điều đó sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô của Mỹ.

Các chuyên gia đánh giá, nếu Mỹ rời khỏi NAFTA thì Mexico là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất. Trong khi Mexico là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, chiếm 14% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của nước này, thì Mỹ lại là đối tác thương mại số 1 của Mexico, chiếm tới 63% tổng giá trị trao đổi thương mại của nền kinh tế đứng thứ hai Mỹ Latinh. Hơn 82% kim ngạch xuất khẩu của Mexico là sang thị trường Mỹ.

Ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại đáng kể vì 40% đầu vào đều nhập từ Mexico. Ngoài ra, 9/10 bang đóng góp nhiều nhất cho GDP của Mỹ đều có quan hệ thương mại mật thiết với Mexico. Đáng chú ý là Mexico chiếm tới 46% tổng kim ngạch ngoại thương của bang Texas.

Mặt khác, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào Mexico sẽ giảm, nếu Mỹ rời NAFTA bởi Washington hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này. Theo số liệu của Bộ Kinh tế Mexico, trong các năm 2000-2014, vốn FDI của Mỹ đổ vào Mexico đạt 171,5 tỷ USD, chiếm 45% tổng số vốn FDI mà Mexico nhận được. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện coi Mexico là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, giá nhân công rẻ và có tay nghề cao, cùng với đó đây còn là cửa ngõ để thâm nhập thị trường Mỹ trong khuôn khổ ưu đãi thuế quan của NAFTA.

Theo số liệu của Viện Thống kê và Địa lý México (Inegi), trong năm 2016, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 525,11 tỷ USD, với thặng dư 63,192 tỷ USD nghiêng về phía Mexico.
 
Việt Hùng (P/v TTXVN tại Mexico City)
Những thách thức Mexico phải đối mặt trong tái đàm phán NAFTA
Những thách thức Mexico phải đối mặt trong tái đàm phán NAFTA

Giới chuyên gia nhận định: Trong quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gồm Mexico, Mỹ và Canada, ngoài những thách thức đàm phán liên quan đến hàng hóa và ngành công nghiệp ô tô, Mexico còn phải nỗ lực để đạt được những lợi ích về công nghệ thông tin và viễn thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN