'Malvinas biến thành căn cứ quân sự hạt nhân của NATO'

Tổng thống Argentina Cristina Fernández ngày 2/4 tố cáo Anh biến quần đảo Malvinas của nước này thành “căn cứ quân sự hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Phát biểu tại buổi lễ nhân Ngày tưởng nhớ các quân nhân hi sinh trong cuộc chiến tranh với Anh tại Malvinas nổ ra cách đây 32 năm, bà Cristina phê phán Anh chi phí quân sự khổng lồ tại quần đảo, đồng thời yêu cầu London tôn trọng các nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi hai nước đối thoại giải quyết bất đồng.


Nhà lãnh đạo Argentina cho biết Malvinas là một trong những vùng lãnh thổ bị “quân sự hóa” nhiều nhất thế giới, vì ở đây luôn có từ 1.500 đến 2.000 binh sĩ trong khi chỉ có 1.000 dân. Mỗi năm Anh dành chi phí quân sự trên 31.000 USD cho mỗi người dân sinh sống tại quần đảo.

Tổng thống Cristina tại buổi lễ (ảnh: cfkargentina.com)


Theo bà, Malvinas là căn cứ quân sự lớn nhất thế giới tại phía nam vĩ tuyến 50, thậm chí có cả một tàu ngầm có thể mang vũ khí hạt nhân. Từ đây, Anh tổ chức tất cả các cuộc triển khai quân sự tại Nam Đại Tây Dương, và tiến hành do thám điện tử.


“Thông điệp của chúng ta không chỉ liên quan tới đòi hỏi chủ quyền mà còn là một thông điệp hòa bình trong một thế giới đã có quá nhiều xung đột quân sự, sắc tộc và tôn giáo”, Tổng thống Cristina khẳng định.


Người đứng đầu chính phủ Argentina cũng phê phán các cường quốc phương Tây, trong đó có Anh, áp dụng tiêu chuẩn kép vì không chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân mới đây tại Crimea, theo đó số đông người dân muốn rời bỏ Ukraine và sáp nhập vào Liên bang Nga, thế nhưng công nhận cuộc trưng cầu ý dân tương tự tại Malvinas năm ngoái, với kết quả đa số người dân muốn quần đảo thuộc chủ quyền của Anh.


Malvinas bị Anh xâm lược từ năm 1833 và đặt tên là Falkland. Mặc dù từ năm 1965, Liên hợp quốc đã thông qua hàng chục nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết tranh chấp, London luôn từ chối với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo là lãnh thổ này thuộc chủ quyền của Anh.


Argentina phản đối lập luận này, vì sau khi chiếm đóng Malvinas, Anh đã trục xuất người Argentina và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng trên chỉ là nguyện vọng của những “kẻ thực dân”.


Cuộc chiến tranh do Argentina dưới thời độc tài phát động năm 1982 nhằm thu hồi quần đảo có vùng biển được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ trên đã khiến hơn 900 binh lính của hai nước thiệt mạng, trong đó phần lớn là các binh sĩ Argentina./.


Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN