Malaysia và Singapore trên chặng đường sống chung với COVID-19

Singapore và Malaysia đã tiết lộ kế hoạch mở cửa trở lại biên giới ở thời điểm hai nước láng giềng này đều từ bỏ chiến lược “Không COVID” và quyết định sống chung với dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân chụp ảnh tại Vịnh Marina ở Singapore. Ảnh: AP

Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 10/10 cho biết nước này từ 11/10 sẽ chấm dứt hạn chế di chuyển nội địa và quốc tế đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Quyết định được đưa ra sau khi Malaysia hoàn thành mục tiêu tiêm đủ vaccine COVID-19 cho 90% người trưởng thành.

Trước đó, Singapore đã bổ sung 8 quốc gia mới vào danh sách được nhập cảnh miễn cách ly vào nước này đối với đối tượng đã tiêm vaccine COVID-19. Đây được coi là sự nới lỏng đi lại đáng kể nhất của Singapore kể từ khi nước này đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020.

Singapore và Malaysia đều phải đối mặt với số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh vào đầu năm nay, bắt nguồn từ biến thể Delta. Cả hai quốc gia đều theo đuổi các chính sách “không COVID-19” bằng cách áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới nghiêm ngặt.

Singapore và Malaysia đang chuyển hướng coi COVID-19 là bệnh địa phương bằng cách kiểm soát dịch bệnh bằng vaccine thay vì tiếp tục áp đặt các lệnh hạn chế. Điều này cũng phần nào phản ánh phương pháp “sống chung với COVID-19” nhiều quốc gia phương Tây đã áp dụng như Anh và một số nơi ở Mỹ.

Malaysia

Chú thích ảnh
Cảnh sát gỡ rào chắn đường sau khi kết thúc phong tỏa một phần tại Bentong thuộc bang Pahang, Malaysia ngày 11/10. Ảnh: AFP

Các ca mắc mới COVID-19 ở Malaysia bắt đầu tăng vào đầu năm 2021, khiến chính phủ phải áp dụng lại các lệnh giãn cách xã hội vốn được dỡ bỏ vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó, vào tháng 6, biến thể Delta hoành hành khắp Malaysia.

Trong tháng 8, Malaysia chứng kiến đợt cao điểm lên tới hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Tháng sau đó, cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức. Tuyên bố của Thủ tướng Yaakob vào ngày 10/10 đã cho thấy sự thay đổi so với chiến lược của chính quyền người tiền nhiệm.

Điều này bắt nguồn từ chương trình tiêm vaccine tại Malaysia đã có chuyển biến. Kể từ 8 tháng sau khi triển khai diện rộng tiêm chủng, đã có trên 66% trong tổng số 32 triệu người dân Malaysia được tiêm đủ vaccine COVID-19.

Thủ tướng Yaakob nhấn mạnh: “Chúng ta phải tự học cách sống chung với COVID-19 bởi dịch bệnh này có khả năng không thể loại bỏ hoàn toàn”. Ông bổ sung rằng Malaysia sẽ không áp đặt lệnh giãn cách xã hội nếu số ca mắc mới tăng.

Việc nới lỏng các hạn chế đồng nghĩa với việc người dân Malaysia đã tiêm chủng có thể du lịch nước ngoài mà không cần xin phép từ cơ quan xuất nhập cảnh. Trước đó, việc “xuất ngoại” chủ yếu chỉ giới hạn cho kinh doanh hoặc lý do khẩn cấp. Di chuyển nội địa tại 13 bang của Malaysia cũng được nối lại.

Vào ngày 16/9, Malaysia đã mở lại đảo Langkawi đón du khách nội địa với nhiều quy định nghiêm ngặt. Malaysia đã áp dụng nới lỏng các biện pháp sau khi số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày tiếp tục theo chiều hướng giảm.

Singapore

Chú thích ảnh
Người dân đến một điểm tiêm vaccine COVID-19 tại Singapore ngày 7/10. Ảnh: AFP

Singapore đang tiếp tục duy trì chiến lược sống chung với COVID-19, mặc dù gần đây vẫn ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày cao, bắt nguồn từ biến thể Delta.

Ngày 9/10, đảo quốc 5,45 triệu dân ghi nhận 3.703 ca mắc mới và 11 người tử vong. Cùng ngày, Singapore quyết định tập trung vào chương trình du lịch miễn cách ly với người đã tiêm vaccine COVID-19 dự kiến bắt đầu từ 19/10 với bổ sung thêm 8 quốc gia vào danh sách.

Theo quy định mới, du khách từ 11 quốc gia được nêu tên có thể nhập cảnh Singapore không cần cách ly nếu họ đã tiêm đủ vaccine. Bộ trưởng Giao thông S. Iswaran cho biết chương trình này nằm trong chiến dịch “tái thiết và cải tạo”. Singapore vốn là nơi đặt trụ sở châu Á của nhiều công ty đa quốc gia.  Đảo quốc Sư tử cũng là một trong những trung tâm tài chính và du lịch lớn nhất thế giới.

Trong một bài phát biểu trước người dân, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore không thể "phong tỏa và đóng cửa vô thời hạn". Nhà lãnh đạo này đồng thời cho biết thêm rằng tình trạng mất việc làm, gia đình ly tán và đóng cửa kinh doanh đã gây ra "căng thẳng về tâm lý và mệt mỏi về tinh thần".

Trong phát biểu ngày 9/10, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng sẽ cần tối thiểu 3 tháng hoặc thậm chí là nửa năm để nước này chuyển sang gỡ bỏ mọi hạn chế.

Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất trên thế giới với trên 80% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Châu Á-Thái Bình Dương dần mở cửa

Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Thái Lan có kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và các điểm đến lớn khác cho khách du lịch nước ngoài vào tháng 11 để vực dậy ngành du lịch, vốn chiếm hơn 11% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của đất nước vào năm 2019.

Trong khi đó, Indonesia đã cho phép các địa đểm công cộng mở cửa và nhà máy hoạt động hết công suất trở lại. Khách du lịch từ các quốc gia bao gồm Trung Quốc, New Zealand và Nhật Bản sẽ được phép nhập cảnh đảo Bali từ ngày 14/10. Nhưng khách du lịch sẽ phải cách ly trong 8 ngày với chi phí tự chi trả.

Vào ngày 11/10, Sydney (Australia) đã mở cửa sau một đợt phong tỏa áp dụng từ tháng 6 để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Delta. Giờ đây, 70% người dân trưởng thành tại Sydney đã được tiêm phòng đầy đủ. Họ đã có thể trở lại nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục, trong khi nhiều thành viên trong gia đình được đoàn tụ với nhau sau nhiều tháng xa cách.

Hà Linh/Báo Tin tức
World Bank: Đại dịch COVID-19 đẩy các nước nghèo đến nợ nần kỷ lục
World Bank: Đại dịch COVID-19 đẩy các nước nghèo đến nợ nần kỷ lục

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến "sự đảo ngược bi thảm" trong quá trình phát triển và đẩy nợ ở các nước nghèo lên mức kỷ lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN