Malaysia dỡ bỏ Lệnh kiểm soát dịch chuyển

Chiều 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri thông báo quốc gia này sẽ dỡ bỏ Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) tại các bang Selangor, Kuala Lumpur, Johor và Penang, thay vào đó là Lệnh kiểm soát dịch chuyển có điều kiện (CMCO).

Chú thích ảnh
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ tại một trạm kiểm soát ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo này có hiệu lực từ ngày 5 - 18/3 tới. Các bang khác như Melaka, Pahang, Terenganu, Sabah, WP Putrajaya, WP Labuan sẽ chuyển từ CMCO thành RMCO (Lệnh kiểm soát dịch chuyển phục hồi). Riêng bang Perlis sẽ duy trì việc áp đặt RMCO.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ismail cho biết việc đi lại giữa các quận sẽ được phép từ ngày 5/3 tới, tuy nhiên việc đi lại giữa các bang vẫn bị cấm. 

Đề cập đến vấn đề kinh tế, ông Ismail cho biết chính phủ đang cân nhắc cho phép thêm nhiều lĩnh vực kinh doanh hoạt động trở lại và sẽ thông báo cụ thể vào ngày 4/3 tới. Kinh doanh khách sạn và hình thức kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến (AirBnB) được phép hoạt động. Vườn thú, trang trại, thủy cung, trung tâm giáo dục, bảo tàng và những nơi công cộng khác được phép hoạt động trở lại. Các trung tâm spa, bấm huyệt, chăm sóc sức khỏe, trung tâm làm đẹp bao gồm cả sơn sửa móng tay cũng được phép hoạt động tại khu vực CMCO và RMCO từ 6 - 12h hàng ngày. Song song với đó, những hoạt động xã hội như lễ đính hôn, đám cưới và các cuộc tụ họp xã hội khác được phép hoạt động trở lại. 

MCO hiện nay, được gọi là "MCO 2.0", cho phép nhiều lĩnh vực kinh tế tiếp tục hoạt động, như sản xuất ô tô và doanh nghiệp bán lẻ như các cửa hàng vàng và đồ trang sức. Khi MCO 2.0 được thực thi lần đầu từ ngày 13 - 26/1 vừa qua, Malaysia phải ứng phó với số ca nhiễm tăng mạnh, lên tới mức 4 con số hằng ngày, buộc nước này phải gia hạn MCO tới ngày 18/2 và sau đó là đến ngày 4/3.

* Tại Nhật Bản, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike ngày 2/3 đã bày tỏ sự thận trọng về việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô vào cuối tuần này dù tốc độ lây nhiễm đang có xu hướng giảm kể từ khi biện pháp này được áp đặt vào đầu tháng 1.

Phát biểu với báo giới, bà Koike cho rằng có thể là chưa đủ nếu không tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch, đồng thời nhấn mạnh xu hướng giảm các ca nhiễm mới đang chậm lại. 

Bà Koike đưa ra quan điểm trên sau khi chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đang cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tuần này. Không chỉ bà Koike, thống đốc các bang khác trong khu vực cũng thể hiện sự quan ngại tương tự. Thống đốc bang Saitama và Chiba đều thể hiện cách tiếp cận thận trọng, đồng thời đề xuất rằng Tokyo và các khu vực láng giềng nên phối hợp hành động để phòng chống đại dịch.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura cho biết ông muốn tôn trọng quan điểm của giới chức các khu vực này. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền thủ đô Tokyo đã đặt mục tiêu số ca nhiễm mới theo ngày giảm xuống còn 70% số ca ghi nhận trong tuần trước. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện vẫn ở mức gần 80 - 90% và bà Koike cho rằng Tokyo không đáp ứng được kế hoạch đặt ra. Ngày 2/3, Tokyo có thêm 232 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 112.029 ca. 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng Nhật Bản cho thấy thị trường việc làm ở nước này đã cải thiện đáng kể trong tháng 1 bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 tỉnh, thành. 

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) ngày 2/3 cho biết trong tháng 1, tỷ lệ việc làm sẵn có trên số người tìm việc đã tăng từ 1,05 trong tháng trước đó lên 1,1. Điều này có nghĩa cứ 100 người tìm việc có 105 việc làm tương ứng.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) đã điều chỉnh giảm tỷ lệ thất nghiệp theo mùa vụ ở nước này trong các tháng 11 và 12 năm ngoái từ 3% xuống còn 2,9%. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp đối với nam giới vẫn ở mức 3,2%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới giảm 0,2% xuống còn 2,6%. Trong tháng 1/2021, số người thất nghiệp ở Nhật Bản là 2,03 triệu người, giảm 70.000 người so với tháng trước đó. 

Đánh giá về tình hình thị trường việc làm, một quan chức MIC cho rằng không thể phủ nhận tác động của dịch COVID-19 tới thị trường việc làm nhưng những quan ngại rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp có thể làm cho tình trạng thất nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn đã không xảy ra.

Một số chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 đã làm giảm việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó có khách sạn và nhà hàng, nhưng lại tăng số lượng việc làm trong lĩnh vực y tế và phúc lợi. Mặc dù vậy, đa số chuyên gia phân tích cho rằng Nhật Bản có thể chứng kiến tác động tiêu cực của dịch COVID-19 trong các tháng tới, nhất là khi tình trạng khẩn cấp vẫn được áp dụng ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận.

Các chuyên gia nhận định tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng lên 4% nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ. Ngay cả khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ và chính phủ cắt giảm quy mô hỗ trợ, thị trường việc làm vẫn có thể sẽ bị tác động mạnh hơn.

Hằng Linh - Trần Quyên - Thanh Tùng (TTXVN)
Phát hiện 'họ hàng' của SARS-CoV-2 tại Campuchia
Phát hiện 'họ hàng' của SARS-CoV-2 tại Campuchia

Các nhà khoa học Campuchia và Thái Lan vừa tìm thấy một trong những họ hàng gần nhất với virus SARS-CoV-2. Đáng chú ý, virus này được tìm thấy ở một mẫu bệnh phẩm của loài dơi móng ngựa cách đây hơn 10 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN