Malaysia có thể tiếp tục tìm máy bay MH370 sau 10 năm mất tích

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke cho biết chính quyền nước này sẽ hợp tác với một công ty chế tạo robot của Mỹ để tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn cách đây 10 năm.

Chú thích ảnh
Một phần của cánh máy bay MH370 được bày tại sự kiện tưởng niệm các nạn nhân mất tích ngày 3/3. Ảnh: Hằng Linh - P/v TTXVN tại Kuala Lumpur

Theo tờ Malay Mail, phát biểu tại một sự kiện tưởng niệm ở Kuala Lumpur ngày 3/3, Bộ trưởng Loke cam kết việc tìm kiếm hài cốt những người đi trên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ được nối lại càng sớm càng tốt. Chiếc Boeing 777 biến mất khỏi màn hình radar vào năm 2014 và được cho là đã bị rơi ở phía Nam Ấn Độ Dương.

Bộ trưởng Loke cho biết chính phủ Malaysia sẽ ký hợp đồng với Ocean Infinity để nối lại cuộc tìm kiếm 239 hành khách và phi hành đoàn đã mất tích.

Ocean Infinity là một công ty chế tạo robot hàng hải có trụ sở tại Texas (Mỹ). Công ty này từng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay ở Ấn Độ Dương vào năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm đó, họ không tìm thấy máy bay và sứ mệnh bị hủy bỏ sau 6 tháng. Năm 2023, Giám đốc điều hành của Ocean Infinity, Oliver Plunkett, tuyên bố công ty đã tìm thấy bằng chứng mới chỉ ra địa điểm có thể xảy ra vụ tai nạn và nói rằng ông đã đề xuất chính phủ Malaysia cho phép thực hiện một cuộc tìm kiếm mới.

Bộ trưởng Loke cho biết ông đã chỉ đạo các quan chức gặp Ocean Infinity để thảo luận về đề xuất “không tìm thấy, không tính phí” của công ty.

“Mặc dù công ty cam kết không tìm thấy, không mất phí, nhưng chúng tôi mong rằng khi bắt đầu ký hợp đồng với Ocean Infinity, chúng tôi hy vọng chiếc máy bay sẽ được tìm thấy”, nhà chức trách bày tỏ.

Ngày 8/3/2014, chuyến bay mang mã hiệu MH370 đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh (Trung Quốc) bất ngờ mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu trên Biển Đông. Tín hiệu chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar phụ – màn hình hiển thị vị trí và dữ liệu tiếp sóng của máy bay. Tuy nhiên, quân đội Malaysia vẫn có thể theo dõi tín hiệu của máy bay qua radar chính thêm 1 tiếng sau đó. Vị trí tín hiệu cho thấy chiếc máy bay đã rẽ sang hẳn về phía Tây và bay trở lại Bán đảo Malay về phía biển Andaman.

Khi MH370 tiếp tục bay thêm 6 giờ nữa, mạng viễn thông do công ty Inmarsat của Anh vận hành đã nhiều lần nhận được nỗ lực đăng nhập từ thiết bị dữ liệu vệ tinh của máy bay. Một nhóm các nhà điều tra quốc tế do Cục An toàn Giao thông Australia dẫn đầu đã phác hoạ đoạn đường bay của máy bay dựa trên thời gian các tín hiệu này truyền từ máy bay đến vệ tinh và kết luận nhiều khả năng nó đã bay về phía Nam Ấn Độ Dương cho đến khi hết nhiên liệu.

Cảnh sát Malaysia sau đó phát hiện cơ trưởng của máy bay, Zaharie Ahmad Shah, đã thực hành lái chiếc Boeing 777 sâu vào Ấn Độ Dương trên thiết bị mô phỏng trước khi mất tích. Trả lời báo Sky News vào năm 2020, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott nói rằng: “Ngay từ ban lđầu, chính phủ Malaysia đã nghĩ rằng đó là vụ giết người-tự sát của phi công”.

Trong 10 năm kể từ khi MH370 biến mất, các mảnh vỡ nghi của máy bay này đã dạt vào bờ biển Nam Phi, Mozambique, Mauritius và lãnh thổ Reunion của Pháp.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Thân nhân người gặp nạn vụ MH370 tưởng niệm 10 năm ngày máy bay mất tích
Thân nhân người gặp nạn vụ MH370 tưởng niệm 10 năm ngày máy bay mất tích

Một thập kỷ đã qua, nỗi đau từ thảm kịch lịch sử trong ngành hàng không vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng nhiều người ở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN