Lý do Ấn Độ nói không với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

Sau 7 năm đàm phán, trong một hội nghị thượng đỉnh với 16 quốc gia liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Thủ tướng Narendra Modi đã thẳng thừng tuyên bố Ấn Độ sẽ không ký kết và tham gia hiệp định này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AP

Nếu như đúng kế hoạch với việc Trung Quốc và Ấn Độ đều tham gia, RCEP sẽ là hiệp định bao quát gần một nửa dân số thế giới và 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Tuy nhiên, việc Ấn Độ rút lui đã khiến viễn cảnh này tiêu tan.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết rõ ràng Thủ tướng Ấn Độ có con đường riêng và một số lý do dẫn đến quyết định của New Delhi không tham gia Hiệp định RCEP.

Quan điểm chính trị

Trong Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ tổ chức tại Thái Lan vào đầu tháng 11, Thủ tướng Modi đã công bố quyết định không gia nhập RCEP, hiệp định do Trung Quốc khởi xướng và đặt nhiều kỳ vọng.

Khi đưa ra tuyên bố, Thủ tướng Modi truyền tải thông điệp không chỉ xoa dịu nỗi thất vọng từ những quốc gia khác và còn nhắm đến công chúng Ấn Độ.

Thủ tướng Modi đã đề cập đến Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi. Ông nói rằng “Talisman của Ngài Gandhi” và lương tâm chính bản thân ông không ủng hộ việc gia nhập RCEP. “Talisman của Ngài Gandhi” là một khẩu hiệu nổi tiếng tại Ấn Độ, với hàm ý là nếu gặp khó khăn khi đưa ra quyết định thì hãy nghĩ tới tới lợi ích của những người yếu thế và nghèo khổ.

Trong công bố sau đó, Chính phủ Ấn Độ khẳng định rằng không có lựa chọn nào ngoài việc phải rút khỏi RCEP bởi thỏa thuận này chưa đảm bảo được những gì mà Ấn Độ yêu cầu.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal sau đó cho biết vẫn có khả năng New Delhi gia nhập RCEP trong tương lai, bởi với “mối quan hệ và cam kết quốc tế” thì các cánh cửa “không nên đóng sập hoàn toàn”.

Nhà bình luận Nilanjan Mukhopadhyay tại New Delhi cho biết quyết định của Thủ tướng Modi liên quan tới tình hình chính trị hiện nay ở Ấn Độ. Thứ nhất là Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền đã không thể giành chiến thắng lớn tại hai cuộc bầu cử cấp bang vào tháng 10 và thứ hai là lo lắng về tình hình kinh tế hiện tại.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết người dân Ấn Độ thấy bất an bởi “họ không có tiền trong tay”.
Theo ông Mukhopadhyay, một lý do khác khiến Thủ tướng Modi không có nhiều lựa chọn về RCEP là người dân Ấn Độ cho rằng “các cải cách chỉ có lợi cho tầng lớp người giàu, thay vì người nghèo”.

Chú thích ảnh
Người nông dân Ấn Độ được cho sẽ chịu nhiều áp lực nếu nước này gia nhập RCEP. Ảnh: Reuters

Kinh tế có dấu hiệu chậm lại

Kinh tế Ấn Độ đang trải qua khoảng thời gian khó khăn. Tăng trưởng GDP chậm lại trong quý thứ 5 liên tiếp kể từ quý đầu năm 2018.

Khi Chính phủ Ấn Độ phải giải chịu nhiều áp lực trong việc giải quyết tình hình kinh tế trong nước thì thỏa thuận thương mại lớn như RCEP sẽ đẩy các doanh nghiệp và người nông dân Ấn Độ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với “những người khổng lồ” từ các quốc gia khác.

Thặng dư thương mại

Trang indiatoday cho biết Ấn Độ có thặng dư thương mại khổng lồ với hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong 15 quốc gia RCEP, Ấn Độ tồn tại thặng dư thương mại với ít nhất 11 quốc gia.

Thặng dư thương mại của Ấn Độ với những quốc gia này đã tăng gấp đôi trong 5-6 năm qua, từ 54 tỷ USD giai đoạn 2013-2014 lên 105 tỷ USD giai đoạn 2018-2019. Do vậy, thỏa thuận RCEP có khả năng đẩy mạnh thêm thặng dư thương mại này.

Ở thời điểm hiện tại, 20% mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ là tới các quốc gia RCEP. Đổi lại, 35% nhập khẩu của Ấn Độ là từ các quốc gia RCEP.

Kinh nghiệm trong quá khứ

Viện nghiên cứu Niti Aayog của Ấn Độ trong năm 2017 đã đăng báo cáo cho thấy New Delhi không có nhiều kỷ niệm đẹp với thỏa thuận tự do thương mại. Niti Aayog đã phân tích hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại Ấn Độ ký kết trong thập niên qua, trong đó có FTA với Sri Lanka, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc.

Niti Aayog đánh giá nhập khẩu của Ấn Độ từ các quốc gia có FTA đã tăng trong khi xuất khẩu tới những địa điểm này lại chưa cân bằng.

Yếu tố Trung Quốc

Ở thời điểm chịu nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc muốn tiếp cận được sâu hơn vào thị trường Ấn Độ vốn có tiềm năng to lớn và RCEP là cơ hội đặc biệt. Thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Trung Quốc đạt mức 95,5 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, thặng dư thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc là 53 tỷ USD.

Hà Linh/Báo Tin tức
Các nước tham gia đàm phán chính thức lùi thời hạn ký kết RCEP
Các nước tham gia đàm phán chính thức lùi thời hạn ký kết RCEP

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan tại Thái Lan, ngày 4/11, lãnh đạo 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, đã ra tuyên bố chung lùi thời hạn ký kết thỏa thuận tự do thương mại khu vực từ cuối năm 2019 sang năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN