Luồng ý kiến trái chiều xoay quanh mũi vaccine COVID-19 thứ ba

Khi virus SARS-CoV-2 vẫn lây lan và biến chủng mới xuất hiện, đã có nhiều nước rục rịch chuẩn bị cho chương trình tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ ba. Câu hỏi được đặt ra là liệu thế giới có cần đến mũi tiêm này?

Chú thích ảnh
Nhiều nước đang xem xét việc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho người dân. Ảnh: AP

Kênh Al Jazeera cho biết các quan chức Mỹ đánh giá vẫn còn quá sớm để kêu gọi cho mũi tiêm thứ ba nhưng nhà sản xuất vaccine Pfizer lại đang thúc đẩy để được sự thông qua của chính phủ cho đề xuất này.

Trong khi đó, Israel tuyên bố sẽ tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 liều nhưng nằm trong nhóm rủi ro.

Vậy những yếu tố nào dẫn đến việc một số nước cân nhắc về tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba?

Biến thể Delta lây lan

Biến thể Delta (B.1.617) vốn phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và đang chiếm số đông trong những ca mắc mới COVID-19 tại nhiều quốc gia. Điều này gây băn khoăn về việc liệu các vaccine COVID-19 hiện hành có tạo đủ “tấm khiên” bảo vệ cơ thể người tiêm trước virus SARS-CoV-2.

Các chuyên gia cho biết sẽ cần mũi tiêm thứ ba vaccine COVID-19 xuất hiện tình trạng gia tăng ca nhập viện và tử vong trong nhóm đã được tiêm. Tuy nhiên, tại Mỹ phần lớn những trường hợp rơi vào tình trạng nặng đều thuộc nhóm chưa tiêm vaccine COVID-19.

Nghiên cứu của Israel

Bộ Y tế Israel vào ngày 5/7 tuyên bố rằng vaccine Pfizer-BioNTech chỉ hiệu quả 64% trong ngăn chặn lây lan từ biến thể Delta. Bộ Y tế Israel đánh giá mức độ bảo vệ đã giảm đi ở những cá nhân tiêm vaccine trong khoảng thời gian tháng 1 và tháng 2. Đến ngày 11/7, chính phủ Israel tuyên bố sẽ tiêm mũi vaccine COVID-19 bổ sung cho người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, vào ngày 11/7 đánh giá vẫn còn quá sớm để chính phủ đề xuất tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng mũi vaccine COVID-19 bổ sung là cần thiết trong tương lai.

Tiến sĩ Fauci nói: “Hiện tại, dựa trên dữ liệu và thông tin chúng tôi nắm được thì người dân chưa cần đến mũi tiêm thứ ba. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta dừng ở đây… Có những nghiên cứu đang được thực hiện về tính khả thi và khi nào là cần thiết đối với mũi tiêm bổ sung”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ David Kessler, người đứng đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của Mỹ mang tên "Chiến dịch Thần tốc", vào tháng 4 đánh giá trước Quốc hội Mỹ rằng mũi thứ ba có thể cần thiết trong vòng một năm tới.

Kháng thể tăng gấp 5-10 lần

Dữ liệu từ nghiên cứu của Pfizer cho thấy mức kháng thể trong cơ thể người có thể tăng gấp 5-10 lần sau mũi tiêm thứ ba, so với mũi thứ hai trước đó vài tháng.

Pfizer và BioNTech (Đức) trong tháng 7 tiết lộ sẽ nhanh chóng đề nghị giới chức Mỹ và châu Âu thông qua việc tiêm mũi vaccine thứ ba do nguy cơ tăng rủi ro lây nhiễm trong vòng 6 tháng sau khi tiêm đủ 2 liều.

Chất vấn của các chuyên gia

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine COVID-19 tại Thái Lan. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin nhiều quan chức tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng chưa có đủ bằng chứng cho thấy mũi tiêm vaccine COVID-19 thứ ba là cần thiết. Họ đồng thời kêu gọi chia sẻ vaccine COVID-19 đang khan hiếm với những nước nghèo vẫn chưa thể tiêm cho người dân thay vì việc dùng để tiêm bổ sung đối với những nước giàu có.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các nhà sản xuất dược nên ưu tiên cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước nghèo thay vì kêu gọi chính phủ những nước giàu có sử dụng thêm vaccine bổ sung cho người dân đã tiêm đủ liều của họ.

Phát biểu của ông Ghebreyesus được đưa ra sau khi nhiều công ty dược đang thuyết phục các nước phương Tây thông qua việc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba. Tổng giám đốc WHO đồng thời đề cập đến tính cấp thiết của việc cung cấp vaccine COVID-19 cho những người còn chưa hề được tiêm mũi nào. Ông cũng đề nghị Pfizer và Moderna cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, những nước thu nhập thấp, châu Phi.

Cả Pfizer và Moderna đều chấp thuận cung cấp lượng nhỏ vaccine COVID-19 cho chương trình COVAX nhưng phần lớn vaccine của hai công ty này đều được đặt hàng bởi những nước giàu có.

Ngoài ra, bác sĩ Soumya Swaminathan tại WHO đánh giá: “Ở thời điểm này không có bằng chứng khoa học cho thấy mũi vaccine COVID-19 thứ ba là cần thiết”. Ông Soumya Swaminathan đồng thời nhấn mạnh WHO sẽ đưa ra đề xuất tiêm mũi thứ ba vaccine COVID-19 nếu thấy cần thiết nhưng lời khuyên phải được dựa trên “khoa học và dữ liệu thay vì các công ty tư nhân tự tuyên bố rằng cần có mũi tiêm bổ sung”.

Ông Larry Corey tại Trung tâm Ung bướu Fred Hutchinson (Mỹ), người tham gia quá trình giám sát thử nghiệm vaccine COVID-19 tại nước này, chia sẻ với hãng thông tấn Reuters: “Thật đáng thất vọng khi họ lại mang phương pháp tiếp cận đơn phương đối với một quyết định phức tạp như vậy”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Mỹ: Nguy cơ 'rất thấp' mắc hội chứng Guillain-Barré do tiêm vaccine của Johnson & Johnson
Mỹ: Nguy cơ 'rất thấp' mắc hội chứng Guillain-Barré do tiêm vaccine của Johnson & Johnson

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 12/7, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bổ sung một cảnh báo vào tờ thông tin về vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson liên quan tới chứng rối loạn tự miễn hiếm gặp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN