Lực lượng biên phòng chung châu Âu có gì đặc biệt?

Từ ngày 6/10 Cơ quan Biên phòng và bờ biển châu Âu đã bắt đầu hoạt động. Đây là tổ chức biên phòng mới của Liên minh châu Âu (EU) và có mục đích bảo vệ hiệu quả hơn đường biên giới bên ngoài của EU.

Lễ triển khai của tổ chức Frontex kiểu mới. Ảnh: Die Welt

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, việc thành lập một cơ quan biên phòng chung của EU do Ủy ban châu Âu (EC) đề xướng vào tháng 12/2015, đúng đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư. Dự án nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU với kỳ vọng bảo vệ vững chắc đường biên giới bên ngoài của EU và bảo đảm sự tự do di chuyển trong khuôn khổ khu vực Schengen.  

Tổ chức biên phòng mới được lập ra dựa trên cơ quan biên phòng cũ là Frontex vốn chỉ có chức năng phối hợp hành động giữa các lực lượng biên phòng quốc gia trong EU. Quyền hạn của Frontex rất hạn chế: không có nhân sự riêng và chỉ tiến hành các chiến dịch bảo vệ biên giới và trục xuất người nhập cư trái phép theo yêu cầu của ít nhất một quốc gia thành viên EU.

Ở phiên bản mới Frontex sẽ là cơ cấu sức mạnh đầu tiên trực thuộc các cơ quan siêu quốc gia của EU – một tổ chức có lực lượng cơ động riêng và có khả năng phản ứng nhanh với mọi nguy cơ. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là phát hiện các điểm nhạy cảm trong hệ thống bảo vệ biên giới EU và giúp đỡ chính phủ các nước có liên quan, chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. Tổ chức biên phòng chung của EU khi thực hiện nhiệm vụ của mình cần phối hợp với các cơ quan biên phòng quốc gia.

Biên chế thường xuyên của Frontex mới sẽ tăng từ 400 lên 1.000 người trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, từ tháng 12/2016 cơ quan này sẽ được bổ sung một lực lượng dự bị gồm 1.500 lính biên phòng để tung ra bảo vệ các được biên giới bên ngoai của EU trong trường hợp khẩn cấp.

Theo quy định mới, các nước EU có thể kêu gọi Cơ quan Biên phòng và Bảo vệ bờ biểu châu Âu giúp đỡ bảo vệ đường biên giới quốc gia. Nếu không thì các nước thành viên khác của EU có thể thực hiện việc kiểm tra biên giới trong nội bộ khu vực Schengen.

Trong trường hợp một quốc gia từ chối sự can thiệp của EU thì điều gì sẽ xảy ra? Kế hoạch của EC nêu rõ rằng EU có thể cử các đội biên phòng đến một quốc gia cụ thể trong liên minh bất chấp chính phủ nước đó có muốn hay không. Trong trường hợp việc thực thi Hiệp ước Schengen bị đe dọa thì EC có thể lệnh cho EU áp dụng các biện pháp thích ứng. Hội đồng EU vẫn giữ quyền ra quyết định cuối cùng về việc can thiệp vào nội bộ của một quốc gia thành viên nào đó.

Tổ chức Frontex đổi mới có thể tự mình tổ chức các các chuyến bay để hồi hương những người nhập cư không được cấp quy chế tị nạn. Cơ quan này có nghĩa vụ giúp đỡ chính quyền các quốc gia trong việc khôi phục giấy tờ cho những người nhập cư không nhận được quy chế tị nạn tại EU. Frontex cũng có thể tham gia các chiến dịch tại các nước thứ ba, chẳng hạn tại Bắc Phi.

Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)
Séc không nhận người tị nạn đến hết năm 2016
Séc không nhận người tị nạn đến hết năm 2016

Từ nay đến cuối năm 2016 Séc không có kế hoạch nhận bất kỳ một người tị nạn nào từ Hy Lạp hay Italy trong khuôn khổ hạn ngạch nhập cư do Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN