Lựa chọn khó khăn của đảng Cộng hòa

Cuộc đua giành vị trí đề cử của đảng Cộng hòa (GOP) trong kì bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 dường như đã được xác lập. Đó là cuộc đấu tay đôi giữa tỷ phú Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ted Cruz, một chọn lựa được ví là “cơn ác mộng” của GOP.

Sẽ là cuộc đua song mã?

Tính đến thời điểm này, cuộc chạy đua trong nội bộ GOP đã tạo ra những kết cục khá bất ngờ, với việc tỉ phú “ngoài giới chính trị” Trump, Thượng nghị sĩ (TNS) “ít được yêu mến” Cruz đang thắng thế trước hai ứng cử viên có quan điểm chính thống và được xem thuộc diện “quy hoạch bài bản” - TNS bang Florida Marco Rubio và Thống đốc bang Ohio John Kasich. Kết quả kiểm phiếu tính đến ngày 9/3 cho thấy, ông Trump hiện giành được 428 đại biểu, ông Cruz sở hữu 315 đại biểu, ông Rubio được 151 đại biểu và Thống đốc Kasich có được sự ủng hộ của 52 đại biểu. Để giành vé đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới, một ứng cử viên cần có sự ủng hộ của 1.237 đại biểu.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz (phải) và tỉ phú Donald Trump trong một cuộc tranh luận. Ảnh: Reuters

Diễn biến bầu cử tại các bang cho thấy, đảng Cộng hòa dường như luôn ở vào thế lúng túng, bị động khi xuất hiện nhiều yếu tố vượt tầm kiểm soát. Khởi nguồn là từ chiến thắng vang dội của ứng cử viên Trump trong ngày “Siêu thứ Ba” (1/3), khi tỉ phú hay “sảy miệng” này giành chiến thắng 7 trên tổng số 12 bang. Những người Cộng hòa từng tin rằng không phải bận tâm đến Trump vì ông này sẽ tự hủy hoại bản thân, khiến cử tri mất kiên nhẫn sau những tuyên bố “quăng bom”, đã buộc phải nghĩ lại. Sự vượt thắng của tỉ phú Trump có vẻ diễn ra không theo quy luật bình thường trong GOP và đó là lý do mà giới tinh anh Cộng hòa bắt đầu đẩy nhanh những nỗ lực nhằm phong tỏa bước tiến của ông này.

“Siêu thứ Bảy” (5/3) là mốc kiểm nghiệm quan trọng. Giới chóp bu Cộng hòa lúc này đặt niềm tin vào ứng viên “gà nòi” nhiều kinh nghiệm là Rubio. Thượng nghị sĩ bang Florida - người luôn biết cách làm vừa lòng những nhà tài trợ chiến dịch tranh cử, những người vận động hành lang cho các nghiệp đoàn, được mong đợi sẽ giành được chiến thắng quan trọng. Thế nhưng thật không may cho họ - giới cầm cương đảng Cộng hòa, những người được ví là dường như đã “mất phanh” trong kì bầu cử năm nay, khi “Siêu thứ Bảy” lại đem tới cho ông Cruz món quà lớn. Trong 5 bang tổ chức bầu cử, TNS bang Texas thắng lớn ở Maine và Kansas, chỉ thua sát nút đối thủ Trump ở Louisiana và Kentucky. Ông Cruz giành được 62 đại biểu, so với con số 49 của đối thủ và nổi lên là người đủ sức đối trọng với tỉ phú người Mỹ. TNS Rubio chỉ có được chiến thắng tại Puerto Rico.

Mốc quan trọng tiếp theo sẽ là kì bầu cử sơ bộ ở bang Florida (99 đại biểu) và Ohio (66 đại biểu) trong ngày 15/3 tới, với thể thức “người chiến thắng được tất cả”. Một thất bại ngay trên “sân nhà” Florida sẽ là dấu chấm hết cho TNS Rubio trong cuộc đua vào Nhà Trắng và kết quả thăm dò mới nhất lại thuận theo kịch bản này: Ông Trump đang ở vị trí dẫn đầu (38%), vượt trên ông Rubio (30%).

Giới phân tích nhận định, một cuộc đua song mã trong GOP đã được định hình, với hai người chơi chính là Trump và Cruz. Chưa biết ai sẽ là người được xướng tên tại Đại hội của GOP (18-21/7/2016), nhưng có một điểm chung là cả hai đều muốn thu hẹp diện ứng viên như cách mà phe Dân chủ đã làm. Ông Trump kêu gọi ông Rubio từ bỏ cuộc đua, vì thời gian dành cho người được GOP lựa chọn đang cạn dần. Ông Cruz cũng gửi một thông điệp tương tự tới các ứng viên Rubio và Kasich, khẳng định cá nhân ông đủ khả năng đánh bại được đối thủ Trump, với điều kiện cuộc đấu cần tiếp tục thu hẹp lại, để dồn sức cho người duy nhất.

Cơn ác mộng của đảng Cộng hòa?

Cruz không phải là lựa chọn đối trọng hoàn hảo mà GOP mong chờ. Mới vài tháng trước đây, giới tinh anh Cộng hòa vẫn còn nhìn nhận Cruz và Trump là những người cùng một hệ và đều sẽ thua sâu đối thủ của đảng Dân chủ (nhiều khả năng là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton) trong cuộc bầu cử tháng 11/2016. Tháng 1/2016, khi chiến dịch cản bước ông Trump được thúc đẩy trên truyền thông cũng như ngay trong nội bộ giới cầm quyền GOP, một cuộc chiến khác nhằm vào TNS Cruz cũng được kích hoạt.

Trước khi khai màn bầu cử sơ bộ, TNS Lindsey Graham, một chính trị gia có ảnh hưởng lớn của GOP từng nói rằng, viễn cảnh buộc phải lựa chọn giữa hai ứng viên này chẳng khác gì việc chọn “chết vì bị bắn hay chết vì bị đầu độc”. Sau ngày “Siêu thứ Bảy” vừa qua, ông Graham có nói rằng, để Cruz thay cho Trump vẫn là lựa chọn tốt hơn, vì ít ra TNS bang Texas còn là thành viên đảng Cộng hòa, có giữ được một số phẩm chất thuộc về hệ tư tưởng của GOP dù là chính trị gia cánh hữu. Một sự ủng hộ miễn cưỡng của cá nhân Graham dường như cũng đủ cho thấy sự bế tắc của giới cầm quyền Cộng hòa khi chỉ còn biết chọn giữa ứng viên “tệ” hay “tệ hơn” mà thôi.

Một số học giả nhìn nhận, với nước Mỹ nói riêng, Cruz là hiểm họa lớn còn hơn Trump. Tờ The Nation (Mỹ) nhận định nếu Trump là một giấc mơ tồi thì Cruz là cơn ác mộng. Truyền thông đôi khi quá tập trung vào Trump mà quên đi rằng Cruz cũng cực đoan không kém. Mối quan hệ của Cruz với phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ rất xấu. TNS John McCain từng mô tả Cruz là “kẻ điên rồ”, “phát xít”, “không đại diện hệ tư tưởng của đảng Cộng hòa.

Nhân vật bảo thủ quá khích này từng công khai chỉ trích giới lãnh đạo GOP, trong đó có cả thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell vì quá mềm yếu trước Tổng thống Barack Obama. Cruz từng để lại nhiều tai tiếng cho đảng Cộng hòa sau vụ cầm đầu nhóm nghị sĩ Cộng hòa cực đoan gây ra tình cảnh đóng cửa chính phủ (10/2013), nhưng rồi vẫn nhận thất bại khi mục tiêu phong tỏa đạo luật Obamacare không thực hiện được. Báo Washington Post bình luận dù theo thiên hướng thích “gây nổ”, nhưng tỷ phú Trump là người linh hoạt, có thể thương lượng được; trong khi đó ông Cruz lại quá cực đoan và cứng rắn. Các chính trị gia, nghị sĩ, thành viên Ủy ban Cộng hòa quốc gia rất khó chấp thuận điều này.

Tại sao đảng chính trị của những vĩ nhân như Abraham Lincoln, Teddy Roosevelt và Dwight Eisenhower lại phải lựa chọn giữa một tỷ phú ngông cuồng luôn có những tuyên bố tồi tệ và một TNS cực đoan liên tục có những hành động xấu xa - The Nation đặt câu hỏi. Vấn đề nằm ở chỗ GOP dường như đang có rạn nứt, chia rẽ trong nội bộ. Kim Reem - thành viên ủy ban điều hành Liên đoàn Quốc gia Phụ nữ thuộc đảng Cộng hòa - cho rằng có ba lực lượng đang chia rẽ bên trong GOP, gồm những người ủng hộ ông Trump, phái chống lưng cho ông Cruz và những người ủng hộ giới lãnh đạo đảng và cho đến nay chưa có nhóm nào muốn xuống thang. Tờ Politico dẫn nguồn tin am hiểu quy trình kín trong nội bộ đảng Cộng hòa thì nói đảng này vẫn cố bám níu vào những tôn chỉ, giá trị và “hào quang” của quá khứ mà bỏ qua những thực tế rất căn bản liên quan đến tính đa dạng trong bầu cử thời hiện đại, khi mà người da trắng hiện không còn chiếm đa số và nữ giới chiếm tới 50% lực lượng lao động.

Nếu cuộc đua chỉ là cuộc đấu tay đôi giữa ông Trump và Cruz thì quả thực đảng Cộng hòa đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không biết nên chọn ai, giữa một tỷ phú vĩ cuồng và một thượng nghị sĩ đáng sợ - The Nation bình luận.
Hoài Thanh
Một viễn cảnh nếu Donald Trump trở thành tổng thống
Một viễn cảnh nếu Donald Trump trở thành tổng thống

Phải chăng viễn cảnh mức thuế bị áp đặt đồng loạt 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có thể xảy ra nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ? Trên thực tế, đây chính là những gì mà Richard Nixon đã làm vào năm 1971.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN