Lo ngại viễn cảnh 'chủ nghĩa vắc-xin dân tộc' trong dịch COVID-19

Các cơ quan y tế thế giới đang lo ngại tình trạng bất cân bằng trong việc phân phối vắc-xin COVID-19 toàn cầu, khi một số quốc gia thu nhập cao quyết tự tìm lối đi riêng và thỏa thuận với các nhà sản xuất để đảm bảo hàng triệu liều cho công dân nước mình.

Chú thích ảnh
Một địa điểm nghiên cứu vắc-xin COVID-19 tại Nga. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 30/7 đưa tin những nước như Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã thỏa thuận riêng với các nhà sản xuất thuốc như Pfizer, BioNtech, AstraZeneca và Moderna về vắc-xin phòng COVID-19.

Gần đây nhất, vào ngày 29/7, Anh công bố thỏa thuận về nguồn cung vắc-xin phòng COVID-19 tiềm năng từ GlaxoSmithKline và Sanofi. Lãnh đạo của Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI)- ông Seth Berkley nhận định: “Việc mọi người tiến hành những thỏa thuận đôi bên không phải là cách để tối ưu hóa tình hình”. Ông Pfizer trong tháng 7 cho biết đang đối thoại với EU về việc cung cấp vắc-xin có tiềm năng.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Bác sĩ Không biên giới (MSF), tình trạng này có thể kéo theo nguy cơ “các quốc gia giàu đầu cơ vắc-xin” và “xu hướng nguy hiểm về chủ nghĩa vắc-xin dân tộc”.

Trong dịch H1N1 năm 2009-2010, những quốc gia thu nhập cao đã mua nguồn vắc-xin cần thiết khiến những nước thu nhập thấp bị thiếu hụt.

Nhưng các chuyên gia y tế đánh giá dịch COVID-19 hoàn toàn khác H1N1, do vậy tình trạng phân phối không công bằng vắc-xin không những gây hại đối với người dân mà còn gây khó khăn trong kiềm chế dịch bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cùng GAVI sáng lập công ty COVAX, đơn vị nhận nhiệm vụ đảm bảo phân phối vắc-xin phòng COVID-19 toàn cầu. Hơn 75 quốc gia thu nhập cao đã bày tỏ quan tâm đến kế hoạch của công ty COVAX. Kế hoạch này bao gồm cả sự góp mặt của 90 quốc gia “khó khăn hơn” và họ sẽ được hỗ trợ về vắc-xin. Tuy nhiên, Mỹ, Trung Quốc và Nga chưa để mắt đến COVAX.

Reuters dẫn nguồn tin từ EU cho biết Ủy ban châu Âu đã tư vấn các quốc gia thuộc liên minh này không mua vắc-xin phòng COVID-19 qua COVAX.

Chú thích ảnh
Cần có sự phân phối công bằng vắc-xin phòng COVID-19 giữa nước thu nhập thấp và nước thu nhập cao để có thể kiểm soát dịch bệnh này trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia ước tính rằng thế giới cần khoảng 2 tỷ liều vắc-xin phòng COVID-19 vào cuối năm 2021 nếu những vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả. COVAX đặt mục tiêu phân phối vắc-xin cho ít nhất 20% dân số những nước tham gia ký kết.

Ông Berkley nhấn mạnh rằng nếu những quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ tập trung cung cấp vắc-xin cho dân số của họ mà không chia sẻ với nước khác để bảo vệ nhóm người gặp nhiều rủi ro nhất thì dịch COVID-19 sẽ không thể kiểm soát ngay cả khi đã tìm được vắc-xin.

Ông Berkley nói, nếu 30-40 quốc gia có vắc-xin nhưng hơn 150 nước khác lại không có thì dịch COVID-19 vẫn sẽ hoành hành ở đó.

“Virus Cornona chủng mới (SARS-CoV-2) lây lan nhanh chóng do vậy bạn sẽ rơi vào tình huống không thể quay trở về với bình thường. Bạn không thể đi du lịch, di chuyển, giao dịch trừ khi khiến toàn bộ dịch bệnh này chậm lại”, ông Berkley cho hay. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế đánh giá rằng kết thúc dịch COVID-19 phải đồng nghĩa với việc chấm dứt dịch trên toàn cầu.

Hà Linh/Báo Tin tức
Trung Quốc cấp tín dụng 1 tỷ USD giúp Mexico, Mỹ Latinh tiếp cận vắc-xin phòng COVID-19
Trung Quốc cấp tín dụng 1 tỷ USD giúp Mexico, Mỹ Latinh tiếp cận vắc-xin phòng COVID-19

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo nước này cấp khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD giúp Mexico và các quốc gia Mỹ Latinh tiếp cận vắc-xin phòng dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN