‘Liều thuốc giải’ độc đáo của Colombia cho nạn bạo lực sân cỏ

Trận bóng đá cuối cùng của Alejandro Gallego kết thúc bằng một cỗ quan tài sau khi cầu thủ 25 tuổi này thiệt mạng trong một vụ ẩu đả trên sân vận động.

Chú thích ảnh
Liên đoàn bóng đá Colombia muốn dựng rào sắt bên trong sân vận động để kiểm soát các hooligan. Ảnh: AFP

"Đó là điều vô lý nhất có thể xảy ra, họ giết những chàng trẻ trai vì cái nhãn câu lạc bộ. Bóng đá không phải là để giết nhau", cha của cầu thủ xấu số, ông William Gallego, chia sẻ sau tang lễ. Tháng trước, Alejando là một trong ba nạn nhân thiệt mạng trong một vụ đâm chém giữa các cổ động viên quá khích (hooligan) của hai đội Atletico Nacional và Independiente Medellin.

Nạn bạo lực là một vấn đề lớn của nền bóng đá Colombia. Đã xảy ra 350 cái chết đáng tiếc liên quan đến bóng đá ở quốc gia Nam Mỹ này. Tháng 9/2022, một trận đấu diễn ra trên sân vận động Estadio Doce de Octubre đã biến thành một cuộc loạn đả sau khi người hâm mộ của hai đội bóng trở nên mất kiểm soát. Trên 1.000 cổ động viên quá khích đã tràn vào sân để lăng mạ và tấn công các cầu thủ cùng với nhân viên hỗ trợ. Ở bên ngoài sân cỏ, họ cũng không ngần ngại lăn xả vào nhau, thậm chí kể cả giữa người hâm mộ của cùng một câu lạc bộ, làm xấu xí hình ảnh của môn thể thao vua. 

Bất chấp những lời kêu gọi mạnh tay trừng trị thủ phạm, Tổng thống Gustavo Petro đưa ra một chính sách khác để hóa giải bạo lực: đối thoại.

Đó là một chiến thuật mà ông từng sử dụng với các nhóm vũ trang hiếu chiến như một phần trong kế hoạch "hòa bình hoàn toàn" nhằm chấm dứt sáu thập kỷ xung đột ở quốc gia Nam Mỹ này.

Tháng trước, chính phủ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên giữa thủ lĩnh của các nhóm hooligan và chính quyền.

"Chúng tôi phải đối thoại với họ. Họ có thể giúp chúng tôi giải quyết tình hình. Nếu họ không đưa ra cam kết, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn", Bộ trưởng Nội vụ Luis Fernando Velasco cho biết trong cuộc họp.

Chú thích ảnh
Một buổi đối thoại với các hooligan của đội Popular Junior team in Barranquilla © Daniel Muñoz / AFP

Tổng thống Petro từ lâu đã triển khai những chính sách để xây dựng mối quan hệ với hooligan, hay còn gọi là barras trong tiếng Tây Ban Nha. Khi còn là thị trưởng của thành phố Bogota năm 2012-2015, ông đã lập kế hoạch giúp đỡ các barra trẻ tuổi - những người thường xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn - có được công việc tại tòa thị chính.

Qua chương trình phúc lợi đó, ông Gustavo Petro đã thu hút nhiều thanh niên trẻ tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội để có thêm thu nhập. Những người này sẽ được tạo điều kiện để đi học ba ngày và đi làm bốn ngày mỗi tuần. 

Cách tiếp cận của chính phủ Colombia trong việc chống lại chủ nghĩa côn đồ trên sân cỏ trái ngược với cách tiếp cận của Liên đoàn bóng đá Colombia, vốn muốn lắp đặt các hàng rào kim loại giữa các cổ động viên của hai đội thi đấu, cũng như giữa khán giả với sân cỏ.

Chủ tịch liên đoàn Fernando Jaramillo khẳng định các biện pháp kiểm soát như vậy đã có hiệu quả ở những quốc gia khác. Nhưng các cố vấn của chính phủ lại tin tưởng rằng để loại trừ bạo lực, nhà nước phải giải quyết các "mối căng thẳng xã hội" hay động cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến bạo lực bóng đá.

Ông Kevany de Arco, lãnh đạo đội bóng Popular Junior ở Barranquilla, cho biết: “Có nhiều loại bạo lực mà chúng tôi phải khắc phục để đoàn kết lại với nhau. Ngoài bạo lực, các barras có ‘văn hóa riêng’ và muốn nhà nước công nhận điều đó”.

Cơ quan lập pháp Colombia ngày 5/5 vừa thông qua một kế hoạch phát triển quốc gia mới trong vòng 5 năm tới. Trong đó có đề cập đến một điều khoản đặc biệt dành riêng cho barras, cụ thể là thiết lập một chính sách cộng đồng nhằm hợp tác với họ "như một chiến lược để cải thiện sự hòa thuận trong chung sống của người dân”.

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo France24)
Saudi Arabia công khai lập trường về cuộc xung đột Ukraine
Saudi Arabia công khai lập trường về cuộc xung đột Ukraine

Cường quốc dầu mỏ Trung Đông nói rằng họ muốn duy trì quan hệ với cả hai bên trong xung đột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN