Liệu Qatar có xích gần Iran để đương đầu với Saudi Arabia ?

“Trong tương lai, Qatar chắc chắn sẽ rời Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Một khối mới sẽ được hình thành giữa Iran, Iraq, Syria, Lebanon và Yemen để cùng đương đầu với Saudi Arabia”, một chuyên gia đánh giá với hãng tin Sputnik (Nga).

Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời cựu lãnh đạo hãng thông tấn Mehr News, nhà phân tích chính trị người Iran Hassan Hanizadeh đưa ra nhận định trên.

Tháp al-Faisaliya tại Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AP

Năm 2016, Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran kèm cáo buộc chính phủ nước này đã không thể bảo vệ đại sứ quán của Saudi Arabia tại Tehran cũng như lãnh sự quán tại Mashahd trước những người biểu tình phản đối việc Riyadh hành quyết giáo sĩ đạo Hồi Nimr al-Nimr theo dòng Shi’ite.

Sau khi Saudi Arabia cắt quan hệ ngoại giao với Iran, Qatar đã triệu hồi đại sứ nước này từ Tehran về nước. Tuy nhiên, đến ngày 23/8 vừa qua, Qatar lại cử đại sứ quay trở lại Iran, đây được coi là động thái đáng chú ý ở thời điểm xảy ra khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh.

Bộ Ngoại giao Qatar đã xác nhận thông tin trên đồng thời khẳng định Doha muốn thắt chặt quan hệ trên mọi lĩnh vực với Tehran.

Đầu tiên, ông Hassan Hanizadeh cho biết trong 6 năm diễn ra nội chiến tại Syria, Qatar đã đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Tuy nhiên, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Yemen đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào ngày 5/6 kèm cáo buộc rằng nước này hỗ trợ khủng bố, Doha đã hướng về phía Tehran.

Theo đánh giá của ông Hanizadeh, Qatar trong tình thế hiện tại cần thêm sự hỗ trợ từ Iran. Và trên thực tế, Tehran đã giúp đỡ kinh tế Qatar bằng việc cho phép các máy bay nước này được sử dụng không phận của Iran. Bên cạnh đó, Iran cũng cung ứng thực phẩm tới Qatar.

Ngoài ra, ông Hanizadeh cũng nhấn mạnh rằng Qatar luôn cố gắng duy trì mối quan hệ cân bằng với Iran.


“Trong 37 năm kể từ khi diễn ra Cách mạng Hồi giáo Iran (1979), Qatar luôn nỗ lực duy trì cân bằng quan hệ với Iran. Sau khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh thành lập năm 1981 với chủ trương hợp tác chính sách ngoại giao của 6 nước thành viên, trên thực tế là cùng kết hợp sách lược về cuộc chiến tranh của Iraq với Iran, thì Qatar và Oman vẫn cố giữ quan hệ ôn hòa với Iran”, chuyên gia này đề cập.

Ông Hanizadeh cho biết thêm, mặc dù là quốc gia có diện tích nhỏ bé nhưng Qatar luôn đứng lên phản đối chính sách thù địch của Saudi Arabia với Iran và duy trì quan hệ bạn bè với Tehran.

Qatar có hợp tác với Iran về khai thác dầu mỏ và khí đốt trên thềm lục địa của Vịnh Ba Tư, điều rất quan trọng với kinh tế Doha. Do vậy, ông Hanizadeh kết luận Qatar sẽ tiếp tục hậu thuẫn mối quan hệ kinh tế với Iran.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Bị cô lập kinh tế, Qatar vẫn 'chịu chơi' chi 200 tỷ đô cho World Cup 2022
Bị cô lập kinh tế, Qatar vẫn 'chịu chơi' chi 200 tỷ đô cho World Cup 2022

Qatar vừa công bố chi tiết kế hoạch sử dụng 200 tỷ USD nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất chuẩn bị cho kỳ World Cup 2022 mà nước này sẽ đăng cai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN