Libi:Chiến dịch quân sự của NATO bước sang ngày thứ 100

Thiết lập vùng cấm bay và bảo vệ dân thường là sứ mệnh ban đầu của chiến dịch quân sự tại Libi. Thế nhưng hai tháng sau, chiến dịch này leo thang thành các cuộc tấn công dữ dội vào thủ đô Tripôli của quốc gia Bắc Phi này với nỗ lực lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp quản quyền chỉ huy chiến dịch từ Mỹ từ ngày 31/3 nhưng dường như không có chiến lược rõ ràng để thoát khỏi sứ mệnh này. Những đợt mưa bom dữ dội tiếp tục trút xuống Tripôli và cướp đi sinh mạng của những dân thường Libi vô tội.

Thủ đô Tripôli của Libi tiếp tục hứng chịu những đợt mưa bom dữ dội của NATO. Ảnh: AFP - TTXVN


Ngày 27/6, chiến dịch của NATO không kích Libi đã bước sang ngày thứ 100 và cũng là 100 ngày liên tiếp quốc gia Bắc Phi này hứng chịu bom rơi đạn nổ.

Kể từ khi những quả bom đầu tiên trút xuống mảnh đất Libi cách đây hơn ba tháng, đến nay các máy bay của NATO đã tiến hành tổng cộng 5.000 lần xuất kích với bình quân 50 mục tiêu tấn công mỗi ngày. Phần lớn các vụ tấn công diễn ra ở trong hoặc xung quanh thủ đô Tripôli, thành phố Misrata ở miền tây, Benghazi ở miền đông và vùng núi Nafusa ở phía tây nam thủ đô. Mục tiêu của chiến dịch, như tuyên bố của NATO là nhằm hỗ trợ lực lượng chống đối chế độ của nhà lãnh đạo Kadhafi, song không ít vụ oanh tạc đã nhằm vào mục tiêu là nơi trú ngụ của ông Kadhafi và một trong số đó đã cướp đi sinh mạng một người con trai của ông.

Theo con số của LHQ, xung đột ở Libi đến nay đã giết chết hàng ngàn người, khiến 650.000 người phải ra nước ngoài lánh nạn, trong khi khoảng 243.000 người phải sơ tán đến các vùng khác tại Libi.

Sau 100 ngày của chiến dịch, có thể nói liên quân do NATO cầm đầu đã đạt được một số thành công trong việc đẩy lùi lực lượng chính phủ Libi ra khỏi Benghazi và Misrata, những nơi hiện do phe đối lập chiếm giữ. Tuy nhiên, những thành công đó chưa mang lại ưu thế quyết định cho lực lượng này. Mục tiêu của phương Tây lật đổ nhà lãnh đạo Kadhafi chưa thực hiện được, trong khi bản thân nội bộ NATO lại xuất hiện nhiều bất đồng. Một số quốc gia thành viên tỏ ra quan ngại về nguy cơ sa lầy tại chiến trường mới này. Ngoài ra, việc máy bay NATO liên tiếp không kích vào các mục tiêu dân sự, giết hại dân thường Libi cũng khiến NATO phải chịu sức ép của dư luận. Mới đây, chính quyền Italia thậm chí còn lên tiếng kêu gọi NATO xem xét ngừng bắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN