Theo báo cáo do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trình bày trước Hội đồng Bảo an, cuộc khủng hoảng lương thực tại Sahel đã trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu lúa mì và phân bón, mất an ninh khu vực và hậu quả ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Hậu quả là hơn 18,6 triệu người đang phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng hơn 5,6 triệu người so với báo cáo trước đó vào tháng 6/2022. Báo cáo về tình hình ở Tây Phi và Sahel cũng chỉ rõ tình hình này đã trở nên rất nghiêm trọng đối với 2,1 triệu người, trong đó các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Burkina Faso, Niger và Nigeria.
LHQ nhận định tình hình nhân đạo ở khu vực trung tâm Sahel càng trở nên tồi tệ hơn do giá lương thực và năng lượng tăng, các thảm họa khí hậu, mưa lớn, lũ lụt và ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, tình trạng an ninh cũng hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ nhân đạo. Phó Đặc phái viên của Văn phòng LHQ tại Tây Phi và vùng Sahel, bà Giovanie Biha cho biết hình an ninh đã xấu đi ở phần lớn khu vực Tây Phi và vùng Sahel bất chấp những nỗ lực của lực lượng an ninh quốc gia và các đối tác quốc tế.
Bà Biha nêu rõ trong 6 tháng qua, hơn 10.000 trường học trên khắp khu vực Sahel đã phải đóng cửa, khiến hàng triệu trẻ em không thể tiếp tục cắp sách đến trường. Thêm gần 7.000 trung tâm y tế buộc phải tạm ngừng hoạt động, do các nhóm vũ trang, phần tử cực đoan và mạng lưới tội phạm gây bất ổn an ninh.
Khu vực Sahel tiếp tục đối mặt với những thách thức đa chiều, những thách thức về an ninh và nhân đạo ở mức độ chưa từng có, bất ổn chính trị - xã hội càng trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và cuộc xung đột ở Ukraine. Bà nhấn mạnh trước tình hình này, LHQ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác khu vực và quốc tế để củng cố hòa bình, an ninh ở Tây Phi và vùng Sahel.