Lầu Năm Góc cân nhắc cử lính đặc nhiệm tới Đại sứ quán ở Ukraine

Các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ đang tranh luận về việc có nên cử lực lượng đặc nhiệm đến Kiev để bảo vệ Đại sứ quán đã mở cửa trở lại hay không.

Chú thích ảnh
Đại sứ quán Mỹ tại Kiev mở cửa trở lại. Ảnh: AP

Theo đài Sputnik, ngay khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kiev đã đóng cửa trong một vài tuần, cùng với việc các nhà ngoại giao được chuyển tới Ba Lan. Một số quan chức đã được điều động tới một cơ sở ngoại giao tạm thời tại Lvov để tiếp tục làm việc.

Dẫn các nguồn tin thân cận, Tạp chí Phố Uôn (WSJ) ngày 22/5 cho biết các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ đang tranh luận về việc có nên cử lực lượng đặc nhiệm đến Kiev để bảo vệ Đại sứ quán đã mở cửa trở lại hay không, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải lựa chọn giữa việc mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực xung đột và đảm bảo an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ.

Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đang trong quá trình lên kế hoạch sơ bộ cử hàng chục lính đặc nhiệm đến đại sứ quán hoặc sẵn sàng triển khai nếu cần. Bản kế hoạch cuối cùng vẫn chưa được đệ trình lên Tổng thống Joe Biden.

Nếu đề xuất được triển khai, binh sĩ Mỹ sẽ đến Kiev và làm nhiệm vụ bảo vệ đại sứ quán. Tuy nhiên, động thái này sẽ hoàn toàn đi ngược với cam kết trước đó từ phía Chính phủ Mỹ rằng sẽ không điều động binh sĩ tới Ukraine.

Bài viết nêu rõ Nhà Trắng đang tìm cách cân bằng giữa nhu cầu ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng vào các nhà ngoại giao Mỹ và đảm bảo lực lượng để đưa họ giải thoát an toàn trong trường hợp nổ ra giao tranh tại Kiev. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lo ngại động thái này có thể dẫn tới hành động đáp trả từ phía Moskva.

Các quan chức cũng xem xét đến phương án thành lập một đội bảo vệ an ninh từ lính Thủy quân lục chiến, bên cạnh việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm để đảm bảo an ninh các đại sứ quán Mỹ trên toàn thế giới.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao liên quan đến các yêu cầu an ninh tiềm ẩn khi họ nối lại hoạt động đại sứ quán ở Kiev”.

Trước đó, vào ngày 8/5, các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Ukraine cùng Đại biện Kristina Kvien đã trở lại Kiev để kỷ niệm Ngày Chiến thắng cùng các quan chức Ukraine. Trong chuyến đi trở lại Kiev, đoàn ngoại giao này đã được lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt (JSOC) xuất phát từ Fort Bragg, bang North Carolina hộ tống. Đây được cho là lần đầu tiên ghi nhận lực lượng Mỹ đặt chân lên đất Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ngày 18/5, cờ Mỹ đã được kéo cao tại Đại sứ quán ở Kiev. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Bộ đã "đưa ra các biện pháp bổ sung để tăng cường đảm bảo an toàn cho các đồng nghiệp đang quay trở lại Kiev và tăng cường các biện pháp cũng như giao thức an ninh”.

Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc bổ nhiệm bà Bridget Brink trở thành đại sứ tiếp theo của Mỹ tại Ukraine. Tuy nhiên, hiện bà vẫn chưa đến Ukraine.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Thượng viện Mỹ phê chuẩn đại sứ tại Ukraine sau 3 năm bỏ trống ghế
Thượng viện Mỹ phê chuẩn đại sứ tại Ukraine sau 3 năm bỏ trống ghế

Thượng viện Mỹ đã nhất trí phê chuẩn nhà ngoại giao kỳ cựu Bridget Brink làm đại sứ tại Ukraine, sau 3 năm vị trí này bị bỏ trống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN