Lãnh đạo Nga, Mỹ điện đàm tìm giải pháp cho khủng hoảng Ukraine

Ngày 28/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận đề xuất của Mỹ tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảngUkraine.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Washington và các nước Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea (Crưm).    

Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Telegraph

Điện Kremlin ngày 29/3 thông báo trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã đề xuất với người đồng cấp Mỹ Obama rằng cộng đồng quốc tế có thể xem xét các bước đi chung để xoa dịu tình hình ở Ukraine. Không đề cập cụ thể về trình tự các bước đi như đã đề xuất, Điện Kremlin xác nhận: "Lãnh đạo Nga đã đề xuất xem xét các bước đi tiềm năng của cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ ổn định tình hình. Chi tiết về công tác chung này sẽ sớm được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry bàn thảo".

Trong cuộc điện đàm, ông Putin cũng cảnh báo về "những hành động gây rối không ngừng của các phần tử cực đoan" ở Kiev và về tình hình tại vùng lãnh thổ ly khai Transdnistria thuộc Moldova có đa số người nói tiếng Nga.

Liên quan tới vấn đề Transdnistria - khu vực nằm trên lãnh thổ Moldova giáp giới Ukraine, ông Putin nêu đề xuất không dùng vũ lực mà nên giải quyết thông qua đàm phán theo khuôn khổ "5+2" giữa Moldova, Transdnistria, Tổ chức an ninh hợp tác châu Âu (OSCE), Nga, Ukraine cùng Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, với tư cách là các quan sát viên.     

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng nói với ông Obama rằng Moskva vẫn cảnh giác trước những diễn biến ở Ukraine sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Tổng thống Obama đã đề nghị phía Nga nêu rõ ý kiến phản hồi cụ thể bằng văn bản đối với đề xuất mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trình bày với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị an ninh hạt nhân vừa diễn ra tại La Hay (Hà Lan).

Tổng thống Obama và Tổng thống Putin nhất trí rằng ngoại trưởng hai nước sẽ gặp lại nhau để thảo luận các bước đi tiếp theo. Mặc dù chi tiết của đề xuất trên không được nêu rõ, song ông Obama tái khẳng định quan điểm của Mỹ tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, Tổng thống Obama đã kêu gọi Nga rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine và đối thoại trực tiếp với Kiev. Tuy nhiên, hồi đầu tuần, Moskva đã bác bỏ thông tin nói rằng nước này đã huy động quân tới biên giới với Ukraine sau khi sáp nhập Crimea vào Nga.     


Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 28/3 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đảm bảo rằng ông không có ý định thực hiện thêm bất cứ động thái quân sự nào, đồng thời bày tỏ quan ngại về những phần tử cực đoan đang nổi lên tại Ukraine cũng như những động thái như vậy dọc biên giới hai nước.    

Trong khi đó, ngày 28/3, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody''s cho biết đang xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Nga vì cho rằng các biện pháp trừng phạt liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm trầm trọng thêm nền kinh tế của "xứ sở Bạch Dương".      

Moody''s dự báo bất ổn kinh tế gia tăng sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm khoảng 1% trong năm 2014, trái ngược so với những dự báo trước khủng hoảng về mức tăng trưởng 2%. Động thái trên đồng nghĩa với việc Moody''s có thể hạ mức xếp hạng tín nhiệm hiện đang ở mức Baa1 của Moskva.


TTXVN/Tin tức

Nga tính tăng cường nhóm chiến đấu ở Bắc Cực
Nga tính tăng cường nhóm chiến đấu ở Bắc Cực

Ngày 28/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết giai đoạn phát triển lực lượng vũ trang tiếp theo là bao gồm tăng cường các nhóm chiến đấu ở Bắc Cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN