Lãnh đạo châu Âu nói gì khi Anh bắt đầu tiến trình Brexit

Ngày 29/3, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ gây "tổn thương về mặt kinh tế" cho nước Anh, sau khi London chính thức khởi động quá trình rời khỏi EU.

Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: EPA/TTXVN

Phát biểu tại Jakarta trong chuyến thăm tới Indonesia, ông Hollande cho rằng "động thái này sẽ đẩy châu Âu tiến lên phía trước, với nhiều tốc độ khác nhau". Ông Hollande cũng đưa ra nhận định rằng thủ tục rời khỏi EU sẽ không kéo dài quá 2 năm.

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cho biết bất cứ sự đảo ngược nào của Brexit cũng sẽ cần phải có sự ủng hộ đầy đủ của các quốc gia EU. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tajani cho rằng nếu Anh quyết định thay đổi quan điểm, London không thể tiến hành điều này một mình, tất cả các nước thành viên cần phải quyết định về khả năng của điều này.

Cùng ngày, Chính phủ Ireland cho biết các cuộc đàm phán Brexit sắp tới sẽ rất thách thức, tuy nhiên Ireland đã được chuẩn bị tốt cho những khó khăn phía trước. Trong một thông cáo, Chính phủ Ireland cho biết nước này đã tiến hành những bước đi quan trọng để đảm bảo cho nền kinh tế. Các cơ quan, doanh nghiệp của Ireland sẽ tiếp tục làm việc với các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư tiềm năng, giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Ngoại trưởng Slovenia Karl Eriavec đã nhắc lại rằng việc Anh rời khỏi EU là điều không tốt cho cả liên minh này lẫn nước Anh. Ông Eriavec cũng thông báo rằng ông sẽ gặp Đại sứ Anh tại Slovenia Sophie Honey tại Bộ Ngoại giao Slovenia và chiều 29/3 (giờ địa phương) để trao đổi quan điểm liên quan đến việc London nhìn nhận tiến trình Brexit như thế nào, cũng như tương lai hợp tác của nước này với EU.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết nước này sẵn sàng sớm bắt đầu đàm phán về các điều khoản liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Theo ông Michel, Bỉ sẽ có quan điểm mang tính xây dựng trong cuộc đàm phán, đồng thời cho rằng bất cứ thỏa thuận nào phải đem lại lợi ích cho cả Vương quốc Anh lẫn EU. Ngoài ra, các cam kết trước kia cũng phải được tôn trọng, cũng như các biện pháp chuyển tiếp phải cho phép xây dựng một cuộc chuyển giao suôn sẻ.

Cùng ngày, Thủ tướng Áo Christian Kern cho biết dù việc Anh quyết định không còn là thành viên của EU là điều không may, nhưng Brexit cần được diễn ra nhanh chóng và không có bất đồng. Ông Kern nhấn mạnh khoản nợ của Anh đối với EU là một vấn đề quan trọng, đồng thời cho rằng Anh vẫn sẽ phải trả khoản nợ lên tới 60 tỷ Euro (64,5 tỷ USD), điều sẽ là một "cuộc đấu tranh khó khăn".

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Anh tại Litva Claire Lawrence cho biết Litva vẫn sẽ là một đối tác, một đồng minh và một người bạn rất quan trọng đối với London bất chấp Brexit. Bà Claire cũng cho biết an ninh vẫn sẽ là một chủ đề hợp tác song phương ưu tiên giữa Litva và Anh. Về phía Romania, Thủ tướng nước này Sorin Grindeanu cho biết Anh vẫn sẽ là một đối tác quan trọng đối với Bucharest, đồng thời giới chức nước này sẽ tham gia tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi cho công dân Romania tại Anh.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp tư nhân sẽ thúc đẩy các nỗ lực nằm đánh giá tác động có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực của Brexit tới nước này. Phát biểu trong một cuộc gặp mặt với giám đốc điều hành các công ty lớn, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hiroshige Seko cho biết Brexit sẽ có tác động lớn tới các doanh nghiệp, nhưng Tokyo đã lên kế hoạch kêu gọi Chính phủ Anh có những nỗ lực nhằm giảm nhẹ các tác động của tiến trình này.


Cũng liên quan đến vấn đề Brexit, ngày 29/3, Nhà Trắng cho biết Mỹ muốn Anh vẫn là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ ở châu Âu ngay cả khi nước này bắt đầu tiến trình rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nêu rõ Mỹ tôn trọng ý nguyện của cử tri và Chính phủ Anh trong việc tiến hành các bước rời khỏi Liên minh châu Âu. Cho dù tương lai quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU ra sao, Washington muốn Vương quốc Anh vẫn là nhà lãnh đạo mạnh mẽ ở châu Âu.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Theresa May tiến hành đàm phán về việc London rời khỏi EU song song với các cuộc đàm phán xác định quan hệ tương lai giữa khối này và Anh. Bên cạnh đó, ngoài việc nhấn mạnh rằng bà hy vọng Anh và EU vẫn duy trì là các đối tác thân thiết, Thủ tướng Merkel cũng cho rằng viễn cảnh Brexit khiến nhiều người dân ở châu Âu lo lắng về tương lai cá nhân của họ.

Trước đó, Anh đã chính thức bắt đầu tiến trình Brexit vào chiều 29/3, khi Thủ tướng Anh Theresa May trước Quốc hội tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán Brexit. Cùng lúc đó, tại Brussels (Bỉ), Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow đã trao tận tay Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lá thư của Thủ tướng Anh Theresa May thông báo quyết định rời EU. Hai sự kiện này đánh dấu giây phút chính thức bắt đầu "cuộc chia tay" lịch sử giữa Anh và EU. Trong khi đó, lãnh đạo 27 nước còn lại trong EU cam kết hành động là một khối thống nhất trong các cuộc đàm phán với London về Brexit.

TTXVN/Tin Tức
Người Anh tin kích hoạt Brexit sẽ khiến Vương quốc tan rã
Người Anh tin kích hoạt Brexit sẽ khiến Vương quốc tan rã

Đa số người dân Anh tin Brexit sẽ làm gia tăng khả năng tan rã của Vương quốc Anh sau khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN