Làm việc tại nhà - Công, tư vẹn cả đôi đường

Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang tăng cường thực hiện chương trình cho phép nhân viên làm việc ngay tại nhà để vừa tăng hiệu quả công việc vừa đáp ứng được nhu cầu giải quyết việc gia đình, đồng thời cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do việc di chuyển từ nhà đến công sở hoặc ngược lại bằng các phương tiện giao thông.

Làm việc tại nhà – Một công, đôi ba cái lợi (ảnh minh họa).

Trận động đất kèm sóng thần hồi tháng 3 đẩy nhiều khu vực rộng lớn của Nhật Bản vào tình trạng hỗn loạn và đây chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các công ty cho phép nhiều nhân viên làm việc tại nhà thông qua sử dụng Internet. Vào ngày xảy ra trận động đất mạnh 9,0 độ ríchte hôm 11/3, hầu hết các chuyến tàu ở khu vực Tôkyô và vùng đông bắc Nhật Bản ngừng hoạt động, buộc một số lượng lớn những người di chuyển bằng phương tiện này phải qua đêm ở phòng làm việc hoặc nằm tại các sân ga tàu hỏa. Tiếp đến, sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và việc ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân khác sau đó buộc các công ty của Nhật Bản phải thực hiện các biện pháp để tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nguồn cung điện giảm mạnh.

Trước thực trạng trên, Teijin Ltd., nhà sản xuất hàng loạt các sản phẩm từ sợi vải đến đồ điện tử và vật liệu công nghiệp, đã để khoảng 2.000 nhân viên làm việc ở những khu vực do Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO) cung cấp điện có thể làm việc từ xa bằng cách kết nối mạng trực tuyến từ nhà của họ với văn phòng. Mùa hè này, Nippon Telegraph và Telephone Corp. đã bắt đầu cho phép nhân viên của họ làm việc tại nhà vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Do nhân viên ở mỗi tầng làm việc của văn phòng thay nhau ở nhà làm việc nên họ có thể tắt hết thiết bị chiếu sáng của cả tầng.

Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng của tập đoàn viễn thông này cho biết "kế hoạch làm việc mới đã giúp tập đoàn tiết kiệm năng lượng ở mức độ nhất định".

Trong khi đó, Hitachi Ltd., trước đó đã cho một số nhân viên làm việc tại nhà, đã quyết định để toàn bộ nhân viên làm việc từ xa, còn Internet conglomerate Softbank Corp. đưa ra kế hoạch tương tự cho các nhân viên tiếp thị. Hãng sản xuất đồ điện tử NEC Corp. cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, nhiều tập đoàn lại lo ngại về khả năng mất an ninh do việc truyền dữ liệu từ văn phòng tới nhà của nhân viên và ngược lại. Một số hãng công nghệ đã lợi dụng được cơ hội này. NEC đang tiến hành hỗ trợ khách hàng hệ thống mạng không lưu lại dữ liệu quan trọng trong các máy tính cá nhân. Những máy tính này không có ổ cứng, vì vậy toàn bộ dữ liệu được lưu trữ trong máy chủ được lắp đặt tại văn phòng của công ty. NEC cho biết, họ đã nhận được khoảng 1.000 yêu cầu đặt hàng hệ thống này từ những khách hàng tiềm năng kể từ khi xảy ra thảm họa động đất hồi tháng 3.

Ở Nhật Bản, nhiều chủ doanh nghiệp bắt đầu cho nhân viên làm việc từ xa trong những năm 2000 nhằm giúp họ vừa chăm sóc được người thân cao tuổi, vừa nuôi dạy con cái. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ khuyến khích xu hướng này để người lao động có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn và chủ lao động cũng có thể giữ được những nhân viên có tài mà họ có thể mất nếu không có sự linh hoạt như thế.

Trong năm 2009, khi dịch cúm A/H1N1 lan rộng, ý tưởng về làm việc từ xa đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng như một trong những biện pháp bảo vệ chống lại dịch bệnh trên. Bộ Nội vụ và Thông tin Nhật Bản đã lên kế hoạch nâng gấp đôi số nhân viên làm việc từ xa từ mức hiện nay lên 7 triệu người vào năm 2015. Nhưng có tương đối ít công ty đưa ra hệ thống làm việc từ xa một cách đầy đủ vì lo ngại chi phí gia tăng và vì lý do bảo mật dữ liệu. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp và người lao động vẫn còn do dự khi thay đổi cách thức làm việc.

Một quan chức của Hiệp hội Làm việc từ xa Nhật Bản nói rằng, nếu phương thức làm việc từ xa được ưa chuộng, các công ty phải nghiêm túc coi đây là một biện pháp quan trọng để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vào thời điểm xảy ra thảm họa thiên nhiên lớn.

TKT (Theo Kyodo)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN