Kinh tế Xinhgapo trong 10 năm tới sẽ tăng trưởng chậm lại

Thủ tướng Xinhgapo Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) cho rằng Xinhgapo cần phải làm quen với mức tăng trưởng kinh tế chậm lại trong 10 năm tới, khi nước này đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu gay gắt hơn và hạn chế dòng người lao động nước ngoài đổ vào. Sự giới hạn về không gian cộng với dân số ít cũng sẽ hạn chế khả năng của Xinhgapo trong việc duy trì mức tăng trưởng cao khác thường đã đạt được trước đây.

Phát biểu trước quốc hội Xinhgapo, ông Lý Hiển Long nói: "Tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta có thể sẽ chậm lại. Kinh tế của chúng ta đã phát triển hơn vì vậy không thể tăng trưởng giống như trước đây ở mức 7-8%/năm một cách dễ dàng hết năm này đến năm khác. Chúng ta đã đạt mức tăng trưởng trung bình 5,5%/năm trong thập niên qua, nhưng 10 năm tới, chúng ta chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 3-5%".

Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Xinhgapo tăng trưởng 14,5% trong năm 2010, hồi phục nhanh chóng so với mức suy giảm 0,8% năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong tháng này, Chính phủ Xinhgapo đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2011 từ mức 5-6% trước đó xuống 5% do tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi.

Xinhgapo, đã phát triển thành một trung tâm tài chính, du lịch và cơ sở chế tạo các sản phẩm như giàn khoan dầu, hóa chất đặc biệt, chíp máy tính và dược phẩm, hiện phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh hơn trên toàn thế giới. Giới công chức cổ cồn và những người có thu nhập trung bình của Xinhgapo cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn đến từ 10 triệu người tốt nghiệp ở Trung Quốc và Ấn Độ mỗi năm.

Việc giảm dòng người lao động và người nhập cư nước ngoài sẽ khiến kinh tế Xinhgapo tăng tưởng chậm lại. Ảnh: Internet


Theo ông Lý Hiển Long, việc giảm dòng người lao động và người nhập cư nước ngoài sẽ khiến kinh tế Xinhgapo tăng tưởng chậm lại và các công ty đang cảm nhận được tác động này. Chính phủ Xinhgapo buộc phải "thắt chặt" dòng người lao động nước ngoài sau khi người dân Xinhgapo phàn nàn rằng những người này đã lấy mất việc làm của họ và đang tranh giành nhà ở, giường bệnh, thậm chí cả chỗ ngồi ở tàu điện ngầm.

Hải Yến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN