Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,3% trong quý II/2023

Ngày 17/7, Tổng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 đạt 5,5%.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa ở Khu phát triển kinh tế Yangpu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo NBS, tăng trưởng trong quý II thấp hơn mức kỳ vọng 7,3%, nhưng cao hơn mức tăng trưởng 4,5% trong quý I, cho thấy nền kinh tế “đang trên đà phục hồi tốt”.

Người phát ngôn NBS Phó Lăng Huy cho biết nhu cầu thị trường nội địa đang dần phục hồi, giá cả và tỷ lệ lao động nhìn chung ổn định, nguồn cung phục vụ sản xuất và thu nhập của người dân tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận xét tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 có dấu hiệu chậm lại. Đáng chú ý, trong tháng 6, doanh số bán lẻ chỉ tăng 3,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của tháng 5. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp trong tháng 6 ở mức kỷ lục 21,3%. Sản lượng công nghiệp tăng 4,4% so với mức 3,5% của tháng trước, song nhu cầu vẫn chưa thực sự bùng nổ.

Chuyên gia kinh tế Erin Xin của Ngân hàng HSBC đánh giá tiêu dùng là trụ cột thúc đẩy phục hồi kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước chưa trở về mức trước khi bùng phát dịch COVID-19, dù đã tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ.

Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á của công ty RBC Capital Markets, trụ sở tại Singapore, dự báo nền kinh tế thứ hai thế giới có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt 5%. 

Thời gian qua có nhiều dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chững lại sau giai đoạn phục hồi nhanh chóng hậu COVID-19. Xuất khẩu giảm ở mức mạnh nhất trong 3 năm qua do nhu cầu trong và ngoài nước giảm, thị trường bất động sản liên tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư. Giới phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, gia tăng rủi ro lạm phát, khiến niềm tin của khu vực tư nhân giảm sút. 

Truyền thông dự báo các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhiều khả năng sẽ triển khai các biện pháp kích thích kinh tế, tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, hỗ trợ người tiêu dùng và các công ty tư nhân, đồng thời nới lỏng một số quy định trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian trước khi có tác động đến nền kinh tế.

Bất chấp các thách thức phía trước, người phát ngôn NBS Phó Lăng Huy nhấn mạnh Trung Quốc tự tin sẽ hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Theo ông, kinh tế Trung Quốc đang cải thiện, song tình hình kinh tế và chính trị quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, nền tảng phục hồi kinh tế trong nước chưa vững chắc.

Trong năm 2022, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 3%, thấp hơn so với mục tiêu chính thức 5,5%. Trung Quốc đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng 5%, một trong những mức mục tiêu thấp nhất nước này đề ra nhiều thập kỷ trở lại đây.

Mai Nguyễn (TTXVN)
'Sức khỏe' kinh tế Trung Quốc chi phối chứng khoán châu Á chiều 10/7
'Sức khỏe' kinh tế Trung Quốc chi phối chứng khoán châu Á chiều 10/7

Thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tăng điểm trong phiên ngày 10/7 nhờ hy vọng Trung Quốc sẽ kết thúc thời kỳ "chấn chỉnh" kéo dài đối với lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, đà tăng trên thị trường châu Á lúc ban đầu đã bị chững lại vì số liệu lạm phát cho thấy nền kinh tế Trung Quốc suy yếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN