Kinh tế thế giới năm 2011: Biến động và bất ổn

Mỹ, nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, lần đầu tiên bị hãng thẩm định tài chính quốc tế S&P hạ cấp tín nhiệm tín dụng từ mức AAA xuống mức AA+; châu Âu với truyền thống thịnh vượng đang lao đao trong cơn bão nợ công; Trung Quốc, đất nước viết nên sự thần kỳ về kinh tế, đối mặt với nguy cơ mất dần động lực tăng trưởng kinh tế…, chỉ ngần đó cũng đủ phác họa một năm đầy biến động và bất ổn của kinh tế thế giới.

Các cuộc biểu tình ở Phố Wall tiếp tục lan rộng. Ảnh: reuter


Để mở đầu cho bài báo này và cũng là thắp lên tia hy vọng cho năm con Rồng, tác giả xin được dẫn nhận định của nhiều chuyên gia phân tích và tổ chức kinh tế quốc tế, đó là việc trong khi những nước phát triển lún sâu vào bất ổn kinh tế-xã hội, các nền kinh tế mới nổi tiếp tục có bước tiến dài với sức sống mạnh mẽ. Theo Goldman Sachs, các vấn đề hiện những nước phát triển đối mặt sẽ không ập đến với các nền kinh tế mới nổi trong 2 năm tới. Lạm phát ở các nền kinh tế sẽ giảm tốc và chính sách kinh tế sẽ dịch chuyển nhiều hơn theo hướng ngăn chặn sự giảm tốc tăng trưởng. Trong một báo cáo đưa ra mới đây, Liên hợp quốc cũng nhận định các nền kinh tế mới nổi, đứng đầu là Trung Quốc, Braxin và Ấn Độ, sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa, sự tương tác giữa các nền kinh tế là rất lớn, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế này còn có khả năng hấp thụ của nền kinh tế kia. Nhìn lại năm 2011, người ta thực sự lo lắng khi mà kinh tế thế giới nhuốm một gam trầm với hàng loạt quốc gia nợ như chúa chổm, với sự sụt giảm niềm tin vào thị trường, vào chính sách kinh tế tài chính của nhiều nước. Đặc biệt, những khó khăn về kinh tế bắt đầu lan sang các lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, có khả năng dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong năm 2012.

Căn bệnh nan y của kinh tế thế giới

Từ châu Âu, châu Á, tới đầu tàu kinh tế thế giới Mỹ, nợ công đang là vấn đề làm đau đầu giới lãnh đạo. Không chỉ có vậy, theo “Tiến sỹ Ngày tận thế” Nouriel Roubini, nợ công còn có nguy cơ khiến Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác phải hứng chịu một đợt suy thoái nghiêm trọng thứ hai trước khi rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Vì đến sát thời hạn “vỡ nợ kỹ thuật” ngày 2/8 mới trầy trật đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công thêm 2.400 tỉ USD từ mức 14.300 tỉ USD với điều kiện phải cắt giảm 2.400 tỉ USD chi tiêu chính phủ trong 10 năm, Mỹ - nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới - lần đầu tiên bị hãng thẩm định tài chính quốc tế S&P hạ cấp tín nhiệm tín dụng từ mức AAA xuống mức AA+. Vì không muốn rơi vào cảnh vỡ nợ, sau Hy Lạp và Ailen, Bồ Đào Nha đã phải ngửa tay cầu viện, chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo bên cho vay đưa ra. Danh sách nạn nhân rơi vào khủng hoảng nợ công châu Âu còn có thể kéo dài với những cái tên nằm trong nhóm nguy cơ cao như Italia, Tây Ban Nha.

Ngay cả Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - tưởng chừng như miễn nhiễm với vấn đề nợ công với kho dự trữ ngoại tệ lên tới trên 3.200 tỉ USD, cũng nằm trong diện cảnh báo. Tờ Wall Street Journal dẫn một báo cáo được đưa ra trong kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc đầu năm 2011 cho biết, tính tới cuối năm 2010, chính phủ nước này mang số nợ trị giá 1.003 tỷ USD, tương đương khoảng 17% GDP. Nhưng nếu cộng tất cả số nợ của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước nói trên với nợ chính phủ chính thức của Trung Quốc thì tổng nghĩa vụ nợ của Bắc Kinh lên tới 3.550 tỷ USD, tương đương 59% GDP. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những con số này còn chưa tính hết những khoản nợ xấu phát sinh trong thời kỳ bùng nổ tín dụng suốt 2 năm qua ở Trung Quốc. Bởi vậy, nếu tính cả những khoản này thì tổng nghĩa vụ nợ của chính phủ Trung Quốc có thể tương đương 75 - 77% GDP. Hiện nay, nền kinh tế của Trung Quốc đã có dấu hiệu đi xuống với sự tụt giảm của tốc độ tăng trưởng do xuất khẩu thu hẹp, nội nhu phát triển khó khăn, đầu tư công bị cắt giảm nhằm kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, theo tờ Thương báo Hồng Công, nợ công tại địa phương ngày càng có xu thế phồng lên và thời gian đáo hạn nợ cũ tới dần.

Để tránh vi phạm khế ước vay nợ, các nước thông thường thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Nhưng thực tế lại cho thấy việc cắt giảm chi tiêu đã khiến tăng trưởng GDP trong năm qua của đầu tầu kinh tế thế giới Mỹ sụt giảm nhanh hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ năm 1970. Trong khi đó, theo Diễn đàn Đông Á của Đại học Quốc gia Ôxtrâylia, chính sách tài khóa ở châu Âu thậm chí còn ngặt nghèo hơn so với Mỹ. Kết quả đã dẫn các quốc gia mắc nợ ở châu Âu rơi vào vòng luẩn quẩn: Để trả nợ phải cắt giảm chi tiêu, cắt giảm chi tiêu khiến tăng trưởng kinh tế đi xuống, tăng trưởng kinh tế đi xuống làm nợ gia tăng, nợ gia tăng phải ngửa tay vay thêm vốn và muốn vay thêm vốn phải cắt giảm chi tiêu.

Đòn giáng mạnh vào sự hồi phục kinh tế

2011 là năm mà thế giới đã chứng kiến sự phi mã của giá vàng với mức đỉnh của mọi thời đại đạt được vào ngày 23/8 là 1.917,9 USD/ounce. Vốn là thứ kim loại quý hiếm, thường được giới đầu tư sử dụng làm nơi trú ẩn mỗi khi kinh tế gặp rủi ro, nên khi giá vàng tăng mạnh, điều mà mọi người nghĩ đến trước tiên chính là kinh tế đang có vấn đề. Sự sụt giảm niềm tin đó càng trở nên rõ nét hơn với sự trồi sụt của thị trường chứng khoán. Sau khi khép lại quý 3, quý giảm điểm mạnh nhất trong 9 năm trở lại đây, với việc chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 13,7%, chỉ số DAX của Đức lùi sâu 25,4%, chỉ số CAC 40 của Pháp lao dốc 25,1%, thị trường chứng khoán châu Âu vẫn rất phập phù, những thông tin tốt đưa ra chỉ có hiệu ứng rất ngắn, trong một, hai phiên giao dịch. Thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á cũng không khá hơn. Tất cả phản ánh một thực tế là các nhà đầu tư đã không có được sự ổn định trong niềm tin đối với thị trường vốn được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế này.

Đối với chính sách của chính phủ thì sao? Từ một số ít ban đầu, giờ đây phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” và phiên bản nâng cấp của nó là “Đóng cửa Phố Wall” đã thu hút sự hưởng ứng, tham gia của rất nhiều người, nhiều địa phương ở Mỹ cũng như trên thế giới. Sở dĩ có hiện tượng này là do người dân đã nhận thức được rằng tiền đóng thuế của họ đã và đang được sử dụng nhằm giải cứu các thể chế tài chính, thủ phạm gây ra khủng hoảng tài chính. Còn tại châu Âu, các hãng thẩm định tài chính quốc tế đã hạ cấp tín nhiệm tín dụng của nhiều nước và đe dọa sẽ tiếp tục hạ cấp nếu không thấy sự cải thiện. Thậm chí, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí soạn thảo một hiệp ước mới về quản trị kinh tế nhằm kiểm soát mức thâm hụt ngân sách và nợ công trong tương lai, Fitch vẫn đưa hàng loạt nền kinh tế thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong đó có Pháp và Italia, vào diện xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng, cho rằng Eurozone không thể đưa ra được giải pháp tổng thể cho khủng hoảng nợ.

Không nghi ngờ, thế giới năm 2011 phải đối mặt với bài toán hóc búa là khôi phục niềm tin vào thị trường, vào năng lực điều hành của mỗi quốc gia cũng như sự phối hợp chính sách trên phạm vi quốc tế. Khi phát biểu tại Trường Đại học Tài chính Quốc gia Mátxcơva (Nga) ngày 7/11, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã thừa nhận, kinh tế thế giới không chỉ rơi vào giai đoạn nguy hiểm và không ổn định mà còn đang trải qua cuộc khủng hoảng lòng tin tập thể. Theo bà Lagarde, nếu không hành động tập thể khẩn cấp, thế giới có thể bị rơi vào vòng xoáy suy thoái, bất ổn tài chính và sụp đổ nhu cầu toàn cầu và phải đối mặt với một thập kỷ thất bại với tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao. Nói một cách khác, cuộc khủng hoảng năm 2007 - 2008 vẫn chưa kết thúc mà có khả năng chuyển hóa thành những dạng khủng hoảng mới.

Lộ tẩy và biến chứng

Đầu năm 2011, cuộc “Cách mạng Hoa Nhài” ở Tuynidi đã buộc Tổng thống nước này, ông Ben Ali, rời khỏi đất nước sau 23 năm cầm quyền, tiếp đó phát triển thành “Mùa Xuân Arập”, làm chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập sụp đổ, kích thích sự nổi dậy của phong trào đối lập tại Libi, Xyri, Yêmen và một loạt nước khác trên thế giới. Nhưng không chỉ ở khu vực Bắc Phi hay Trung Đông, ngay tại những nơi được coi là “miền đất hứa” hay “quê hương dân chủ”, người dân đã bắt đầu đứng lên.

Tại Mỹ, sự tham lam của tầng lớp giàu có cũng như thái độ vô trách nhiệm của các thể chế tài chính đã làm dấy lên phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”, sau đó phát triển thành “Đóng cửa Phố Wall”. Những người lao động và viên chức nghèo chiếm 99% dân số Mỹ rõ ràng đã không thể cam lòng tiếp tục để cho giới chủ giầu có tự tung tự tác. Giới “cổ xanh” giờ không còn nhẫn nại, thụ động chờ đợi những giải pháp mà giới “cổ trắng” đưa ra như hồi năm 2008, lúc cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế bùng nổ. Chính vì thế, họ đã trương lên những biểu ngữ như “Ngân hàng được cứu giúp, chúng tôi bị bán rẻ” hay “Hãy chấm dứt bóc lột tầng lớp thường dân để trả cho kẻ giàu”… Bản chất của chủ nghĩa tư bản rốt cuộc đã được chính những công dân sống dưới chủ nghĩa tư bản, bị chủ nghĩa tư bản bần cùng hóa, vạch trần.
Ở châu Âu, sau khi ánh hào quang phát triển nhờ đầu tư tài sản cố định, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và duy trì chế độ phúc lợi xã hội cao dựa trên vay mượn tài chính theo kiểu "vung ta quá trán", “núi nợ” đã hiện ra. Để giải quyết vấn đề, các nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ công châu Âu phải cậy nhờ đến các gói cứu trợ từ bên ngoài, đồng thời áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Tuy nhiên, những biện pháp này được cho là nguyên nhân gây ra hàng loạt bất ổn xã hội ở châu Âu, từ các cuộc biểu tình vào mùa Xuân ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tới bất ổn hồi giữa mùa hè ở Anh và Đức và các cuộc biểu tình rầm rộ vào đầu mùa đông tại Bỉ và Anh.

Bên cạnh đó, phải thấy rằng dù các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí soạn thảo một hiệp ước mới về quản trị kinh tế nhằm kiểm soát mức thâm hụt ngân sách và nợ công trong tương lai, nhưng thực chất của vấn đề nợ công châu Âu lại mang tính kết cấu. Đó là sự mất cân bằng về phát triển giữa các thành viên và sự rời rạc giữa chính sách tiền tệ thống nhất của Eurozone và việc mỗi nước có một chính sách tài chính riêng rẽ. Căn bệnh nợ công châu Âu vì thế có thể nói đã bị bốc nhầm thuốc. Rốt cuộc, khủng hoảng nợ công châu Âu không dừng lại ở vấn đề kinh tế thuần túy, tiếp tục lây lan mạnh sang lĩnh vực chính trị - xã hội. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi buộc phải rời nhiệm sở trước thời hạn là những hệ quả của nó và người ta không loại trừ khả năng sẽ có thêm một số chính phủ khác sụp đổ vì vấn đề nợ công ở châu Âu.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN